Đã 8 tháng trôi qua, nhưng cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hàng trăm doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh vẫn để lại nhiều âm hưởng tốt đẹp. Người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Tại diễn đàn này, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk đã khảng khái: Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý. Lời phát biểu của bà Mai Kiều Liên, người phụ nữ 4 lần được tạp chí uy tín hàng đầu thế giới Forbes vinh danh “nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á” nhận được tràng vỗ tay hưởng ứng của hàng trăm doanh nghiệp.
Ngay sau đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2016, sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: “Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra ATVSTP tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Ảnh: TTXVN |
Sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy “kiến tạo và phục vụ” sẽ là luồng gió mới để vực dậy cả bộ máy hành chính cồng kềnh, chậm chạp bấy lâu nay. Nó cũng là liều thuốc để giúp không ít cán bộ công chức, viên chức xác định đúng vị trí của mình là “công bộc” chứ không phải “ông chủ” để ban phát cơ chế xin - cho.
Doanh nghiệp, đại diện là bà Mai Kiều Liên đã nói lên đúng nguyện vọng, tâm trạng bấy lâu nay của cộng đồng doanh nghiệp. Dù Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã ra đời, cởi trói nhiều rào cản để doanh nhân, doanh nghiệp được kinh doanh những lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không cấm. Tinh thần của luật là vậy song thực tế doanh nghiệp vẫn “một cổ hai tròng”, thậm chí “ba tròng”… khi còn quá nhiều điều kiện kinh doanh, giấy phép con, giấy phép cháu, rồi lối làm việc quan liêu… làm cản trở quá trình khởi nghiệp.
Bởi vậy khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết, nhiệm kỳ Chính phủ “kiến tạo và phục vụ” đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.
Ngay từ những ngày đầu mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành nhanh chóng rà soát điều kiện kinh doanh. Rồi việc ông lập tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các bộ, ngành…
Khen có, chê có khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ những việc các Bộ đã làm được và những việc các bộ còn chậm trễ, chưa hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch, thời gian đã đặt ra. Tựu chung, đó là sự sát sao, nhắc nhở để các Bộ, ngành thấy được trách nhiệm của mình đối với công việc, chỉ có sự nâng cao tinh thần trách nhiệm mới có thể đáp ứng được sự vận động nhanh chóng của thực tiễn.
Đó chính là “kiến tạo”. Một khi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý được dỡ bỏ; những việc Thủ tướng giao được các bộ, ngành giải quyết triệt để, đúng thời hạn thì những quyết sách đó sẽ sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Những năm qua, thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn nhức nhối, là nỗi lo lắng, len lỏi vào bữa ăn hằng ngày của từng gia đình. Ngay sau khi nhậm chức 20 ngày, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Nói là làm. Khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì từ tờ mờ sáng, đích thân Thủ tướng đã vi hành đến chợ đầu mối rau quả Long Biên (Hà Nội), rồi lặn lội sang cánh đồng rau sạch huyện Gia Lâm để kiểm tra rau quả có sạch không.
Rồi hơn 10 ngày sau, mặc dù trời mưa rất to nhưng Thủ tướng bất ngờ trở thành thực khách tại một quán phở nhỏ trên đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Đây là chuyến vi hành bí mật của Thủ tướng để kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương vốn được coi là “thiên đường” ẩm thực đường phố của Việt Nam.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn bà con đặc biệt quan tâm, tuân thủ đúng quy trình chế biến, bảo quản nguyên liệu, thức ăn sao cho hợp vệ sinh, đảm bảo thức ăn tươi ngon, không sử dụng thức ăn ôi thiu, lưu cữu, gây tác hại xấu đến sức khỏe của khách hàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền sở tại đặc biệt coi trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của cấp ủy, chính quyền; thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra theo đúng quy định, thực thi tốt nhiệm vụ theo thẩm quyền, chức năng được giao; kiên quyết không để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Dấu ấn 2016: Liêm chính, Kiến tạo và Hành động
Rồi mới đây, dù vào ngày nghỉ - chiều chủ nhật 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân chủ trì Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”. Đây là sự kiện tầm cỡ, quy tụ nhiều bộ ngành, doanh nghiệp để bàn kế lâu dài cho nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa và ứng dụng công nghệ cao, giải quyết một cách căn cơ cho bữa ăn của dân thật sạch, thật an toàn.
Tại hội nghị này, Thủ tướng đưa ra yêu cầu, cần phải có một nền nông nghiệp hiện đại, sạch bền vững mang tiêu chuẩn quốc tế, giải quyết căn cơ bữa ăn sạch, an toàn cho người dân. Trong năm 2017, Việt Nam sẽ có Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên.
Không chỉ phát triển sản xuất, Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm tới công tác hậu kiểm thực phẩm thông qua việc ấn nút khởi động chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn do Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao - DAA khởi xướng, trước mắt áp dụng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Với tem thông minh DAA Stamp, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được thực phẩm mình chọn nguồn gốc ở đâu, do ai nuôi trồng, quá trình chăm bón thế nào… Nếu làm tốt chỉ đạo của Thủ tướng, Việt Nam sẽ có một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại dần thay thế cho cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đoạn tuyệt với thói làm ăn chụp giựt thực phẩm bẩn, hủy hoại sức khỏe giống nòi.
Sự sâu sát, tận tụy với công việc của người đứng đầu Chính phủ, nói đi đôi với làm đã kéo cả hệ thống chính trị vào cuộc để lo bữa ăn sạch cho người dân. Đó chẳng phải là “phục vụ” sao!
Để công cuộc “kiến tạo và phục vụ” thành công thì trước hết những người vận hành phải thực sự liêm chính, chí công, vô tư. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp thực hành tiết kiệm. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân hứa trước đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước về việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, xe công, đi công tác nước ngoài.
Ngày 1/8/2016, chủ trì phiên họp Chính phủ, Thủ tướng khẳng định từng thành viên chính phủ phải gương mẫu đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng nhắc nhở, ngân sách chính là mồ hôi công sức của nhân dân, phải sử dụng tiết kiệm mồ hôi công sức của dân.
Lâu nay căn bệnh “gia đình trị”, cán bộ có năng lực yếu nhưng vẫn được cất nhắc đã gây ra biết bao hệ lụy cho xã hội. Nhận thức rõ nguy cơ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dùng người tài, chọn người tài cho đất nước chứ không phải để chọn người nhà. Người hiền tài dù ở trong núi thẳm, rừng sâu cũng phải tìm cho được.
Việc Thủ tướng yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân, bởi đây là vấn đề được dư luận quan tâm. Việc xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, chí công, vô tư, hành động vì dân thì mới tạo ra được môi trường bình đẳng, minh bạch để mọi người dân đều có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng đất nước.
Với thông điệp “kiến tạo và phục vụ”, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều việc làm thiết thực, nói đi đôi với làm, đem lại một làn gió mới, năng lượng mới để người dân, doanh nghiệp tự tin, vững bước khởi nghiệp./.
Xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo