Tại phiên thảo luận có hai phương án triển khai Kênh Truyền hình Quốc hội được đưa ra, cụ thể: Phương án 1: Xây dựng Kênh Truyền hình Quốc hội tại Đài TNVN (VOV) và phương án 2: Xây dựng Kênh Truyền hình Quốc hội tại Văn phòng Quốc hội.
Qua thảo luận các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Kênh Truyền hình Quốc hội tại VOV là phù hợp bởi đây là cơ quan truyền thông quốc gia duy nhất sở hữu bốn loại hình báo chí gồm báo nói, báo viết, báo hình và báo điện tử tạo hiệu quả truyền thông lan rộng tới đông đảo cử tri và nhân dân trong và ngoài nước.
Mặt khác, VOV đã và đang hợp tác chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội trong việc thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tới cử tri và nhân dân cử nước; trong đó có chuyên mục “Quốc hội với cử tri” đã thực hiện được 4 năm từng bước tạo diễn đàn của cử tri với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, với nguồn nhân lực hiện có của Đài với 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên sẽ góp phần nhanh chóng đưa Kênh Truyền hình Quốc hội dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất với nội dung phong phú, chi phí thấp, bộ máy hoạt động tinh giản.
Nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của việc xây dựng Kênh Truyền hình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc xây dựng Kênh Truyền hình Quốc hội thuộc VOV là phù hợp, đồng thời đề nghị kênh phải làm chất lượng, có chiều sâu, thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác các hoạt động Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trở thành diễn đàn trao đổi giữa cử tri và Quốc hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn dề quan trọng của đất nước.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bế mạc Trước khi bế mạc các đại biểu đã thảo luận báo cáo về tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.