Tiếp tục chuyến thăm cấp Nhà nước Nhật Bản, ngày 19/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã rời Tokyo đến thăm thành phố Osaka - một trong những thành phố nằm trong vùng kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản.
Tại đây, Chủ tịch nước đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, gặp gỡ với lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai và 7 lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật-Việt của các thành phố: Osaka, Kyoto, Kobe, Sakai, Hirosima.
Đặc biệt cuộc tọa đàm giữa Chủ tịch nước với lãnh đạo kinh tế vùng Kansai (Kankeiren) và doanh nghiệp 2 nước đã mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa 2 nước trong nhiều lĩnh vực.
Phát biểu chào mừng Chủ tịch nước và Đoàn cấp cao Việt Nam, Chủ tịch Kankeiren ông Shosuke Mori nhấn mạnh, sự hợp tác tốt đẹp thời gian qua và đặc biệt qua chuyến thăm của Chủ tịch nước lần này đã nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược sâu rộng là cơ sở quan trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa 2 nước.
Ông Shosuke Mori cho biết, Liên đoàn Kinh tế KanSai (Kankeiren) là hiệp hội của các doanh nghiệp thuộc 9 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Thủ đô Tokyo, Hyogo, Osaka, Nara... một tổ chức phi lợi nhuận gồm 780 thành viên, chủ yếu là các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành nghề: tài chính ngân hàng, điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin... và đây cũng là Liên đoàn kinh tế lớn thứ hai ở Nhật Bản (sau Keidanren).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong Kankeiren đã đầu tư và làm ăn có hiệu quả ở Việt Nam. Ngoài hợp tác về kinh tế, Kankeiren còn giúp đào tạo nhân lực cho các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Kankeiren mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trao đổi với lãnh đạo kinh tế vùng Kansai (Kandeiren) và phát biểu trước đông đảo doanh nghiệp 2 nước tại diễn đàn doanh nghiệp diễn ra chiều nay, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhật Bản đang là nhà đầu tư số 1, nhà cung cấp ODA số 1 và là thị trường xuất nhập khẩu, thị trường thu hút khách du lịch, hợp tác khoa học công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản, ASEAN+3, Hiệp định đối tác toàn kiện khu vực, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan… và đặc biệt là việc đàm phán Hiệp định TPP đang mở ra những cơ hội thuận lợi hơn cho việc tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản vì Việt Nam có vị thế địa kinh tế, địa chính trị quan trọng trong ASEAN; Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ hữu nghị tốt đẹp.
Cơ cấu kinh tế Việt Nam và Nhật Bản bổ sung tốt cho nhau. Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình đổi mới và mà nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và tái cấu trúc nền kinh tế.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang cổ phần hóa mạnh mẽ và các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng đang thực hiện tái cấu trúc cũng mở ra cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có đối tác chiến lược từ Nhật Bản. Ngoài việc đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể có một hướng đầu tư có hiệu quả là mua cổ phần của các doanh nghiệp có tiềm năng ở Việt Nam.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam đó là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông-thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô) trong đó hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ là một điểm nhấn quan trọng.
Chủ tịch nước nói:“Để tiến hành công nghiệp hóa thành công, một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với chúng tôi là phát triển mạnh nền công nghiệp hỗ trợ để gia tăng giá trị trong nước của sản phẩm, vươn lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi thế so sánh và thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam. Để có được ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, chúng tôi cho rằng cần một lộ trình rõ ràng, phát triển đồng bộ bốn yếu tố quan trọng gồm: Nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Bên cạnh phát huy nội lực, xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi mong muốn Nhật Bản, là đối tác chiến lược và bạn bè tin cậy của Việt Nam, tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ”.
Đánh cao tri thức và kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Nhật Bản, Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp và chuyên gia của Nhật Bản đã đồng hành và hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ trong những năm qua, trong đó việc thu hút được các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp của hai nước.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vì lợi ích chung của 2 nước và quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và vì một châu Á phát triển, thịnh vượng và ngày càng gắn kết.
Tại diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch nước cũng đã chứng kiến lễ ký kết giữa Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và Tập đoàn Genepro./.