Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ 24 - 26/9 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của chính giới và các nhà nghiên cứu tại Pháp. Đặc biệt là việc hai quốc gia đang xem xét khả năng ký thỏa thuận đối tác chiến lược trong dịp này. Và nếu đạt được thì câu hỏi cần phải làm gì để cả hai nước thu được những lợi ích thực chất từ mối quan hệ đối tác chiến lược mới cũng đang được đặt ra.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison, người từng có mặt và chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterand tới Việt Nam năm 1993.
Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison |
PV:Thưa ông, từng là Đại sứ Pháp tại Việt Nam trong giai đoạn quyết định đối với quan hệ Việt – Pháp, khi Việt Nam tiến hành đổi mới và trong giai đoạn đó có chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Pháp Francois Mitterand tới Việt Nam, ông có suy nghĩ như thế nào trước chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng?
Ông Claude Blanchemaison:Tôi từng là Đại sứ Pháp tại Việt Nam trong 4 năm, từ mùa xuân năm 1989 đến xuân 1993 và dù thời gian đã qua hơn 20 năm, tôi vẫn nhớ rất rõ thời khắc khi đó. Đúng như nhận định, đó là một giai đoạn quan trọng. Sau nhiều năm chiến tranh, Việt Nam đã quyết định hội nhập kinh tế, mở cửa và cải cách theo chương trình đổi mới, cải thiện không chỉ quan hệ với các nước láng giềng châu Á mà với toàn thế giới.
Nước Pháp đã có mặt cùng với Việt Nam vào giai đoạn đó, cùng phát triển hợp tác về kinh tế, pháp luật, tài chính, đào tạo về quản lý doanh nghiệp, hành chính, mở cửa các trường lớn và trường đại học ở Pháp để đón các sinh viên Việt Nam.
Sau 20 năm, kết quả của tiến trình đổi mới tại Việt Nam là rất rõ rệt: tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn ở mức từ 5-7% ; Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi, là một thành viên rất tích cực trong ASEAN, Diễn đàn khu vực ARF, APEC, ASEM. Việt Nam hiện có quan hệ tốt với tất cả các quốc gia châu Á, châu Âu và Mỹ. Trong bối cảnh Việt Nam phát triển và có quan hệ đối ngoại tốt như thế, diễn ra sự kiện quan trọng mà chúng ta chờ đón là chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sang Pháp tuần này.
PV:Thưa ông, cả Việt Nam và Pháp đều đã ký thỏa thuận thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia. Theo ông, thỏa thuận đối tác chiến lược đem lại lợi ích thực chất như thế nào cho hai nước Việt Nam và Pháp?
Ông Claude Blanchemaison: Việt Nam đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, tại châu Á mới đây là với Singapore, với châu Âu mới nhất là với Đan Mạch, sau khi đã ký với Đức và Vương quốc Anh. Thực tế đó chứng tỏ sự năng động và tính hấp dẫn của Việt Nam đối với thế giới.
Với Pháp, hai nước có một mối quan hệ lịch sử, sự tương đồng về văn hóa, quyết tâm cùng nhau nhân rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Đó chính là nền tảng tạo dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Pháp François Fillon sang thăm chính thức Việt Nam từ 12 - 13/11/2009 |
Ngày nay, nước Pháp – giữa trung tâm châu Âu và Việt Nam - ở trung tâm châu Á, có những cơ sở và vị thế để phát triển mối quan hệ song phương đặc biệt lên mức đối tác mới được đánh giá là ở tầm chiến lược. Tôi thấy rằng chúng ta đã hội đủ các điều kiện để dựng lên mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Việt Nam và Pháp.
PV:Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đã nhấn mạnh rằng "thỏa thuận đối tác chiến lược không phải ký xong để rồi cất vào ngăn kéo". Theo ông, hai nước cần làm gì để thúc đẩy thực chất mối quan hệ đối tác chiến lược mới?
Ông Claude Blanchemaison:Quan hệ đối tác chiến lược có nghĩa là hai nước phải đóng một vai trò chìa khóa trong phát triển quan hệ giữa Liên minh châu Âu và ASEAN. Thỏa thuận đối tác chiến lược phải đóng góp thực chất thúc đẩy đối thoại về Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.
Nhưng quan hệ đối tác chiến lược mới cũng có nghĩa là mối quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam cũng phải được thúc đẩy: đó là đối thoại chính trị về Nhà nước Pháp quyền, về những vấn đề quốc tế, hợp tác kinh tế và nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, năng lượng, giao thông và môi trường; các trao đổi về khoa học và công nghệ cũng như trong sáng tạo nghệ thuật.
Các doanh nghiệp Pháp đầu tư ngày càng nhiều tại Việt Nam, nhưng họ cũng cần có sự đảm bảo về pháp lý. Đặc biệt trao đổi thương mại giữa hai nước chúng ta còn thấp, nên phải ưu tiên đặt mục tiêu tăng gấp đôi trao đổi thương mại.
Và điều quan trọng là phải xây dựng một nội hàm có ý nghĩa cho mối quan hệ đối tác chiến lược này. Nhưng, đó phải là một nhiệm vụ đòi hỏi tổng lực: gồm có quyết tâm chính trị của hai Chính phủ, quyết tâm của các chính quyền địa phương, thông quan hợp tác phi tập trung giữa các thành phố, các vùng hành chính; các trường đại học và các viện nghiên cứu cũng phải mở rộng cửa hơn. Còn về phần doanh nghiệp, các doanh nghiệp Pháp dĩ nhiên quan tâm đến hợp tác với một nền kinh tế năng động như Việt Nam.
PV:Xin cảm ơn ông!./.