Từ 24-26/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Dự định trong dịp này, hai nước sẽ nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

Nhân dịp này, phóng viên  Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm này.

PV: Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Pháp lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng như qua các trao đổi với Thủ tướng Pháp tại các diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

dai-su-duong-chi-dung.jpg
Đại sứ Dương Chí Dũng

Chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng được thực hiện vào thời khắc lịch sử giữa hai nước, đúng năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với nhiều hoạt động trên mọi bình diện tại Việt nam cũng như tại Pháp.

Chuyến thăm cũng được thực hiện trong quá trình triển khai tích cực chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế, đa phương hóa đa dạng hóa, sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm được thực hiện trong giai đoạn quan hệ hai nước đang phát triển sâu rộng, đạt mức chín muồi.

Sau khi hai Thủ tướng ký kết tuyên bố đối tác chiến lược, hai nước sẽ còn có cơ hội, cơ chế để thực sự tiến gần nhau hơn, trao đổi thực chất, để hợp tác nhân dân hai nước không ngừng phát triển, hợp tác các ngành nghề phát triển. Không những thế, hai nước có thể cùng trao đổi những vấn đề chiến lược của khu vực, của toàn cầu để đóng góp cho thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phồn vinh. 

PV: Việc hai nước Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược mở ra những triển vọng nào cho quan hệ song phương? Với khuôn khổ hợp tác mới này, hai nước cần phải làm gì để thực hiện đúng nội hàm đối tác chiến lược, thưa Đại sứ?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Trong quan hệ đối tác chiến lược có nhiều trụ cột ngoại giao, an ninh quốc phòng, thương mại đầu tư, giáo dục đào tạo khoa học công nghệ, văn hóa…

Tuy nhiên, nếu chỉ ký mà không lên một chương trình hành động thì không đi vào thực chất. Nếu hai nước quyết định lên đối tác chiến lược thì đối thoại về các vấn đề chiến lược cũng phải được nâng tầm. Chẳng hạn có những diễn đàn không ở cấp thứ trưởng thì phải lên cấp thứ trưởng, ở cấp thứ trưởng thì lên cấp bộ trưởng.

Chúng ta tạo dựng hàng loạt các cuộc trao đổi, các diễn đàn đối thoại như vậy sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm không chỉ cho hai nước mà đối với khu vực mà cả toàn cầu, và không chỉ các vấn đề truyền thống mà cả phi truyền thống.

Bên cạnh đó, phía Pháp cũng như Việt Nam đặt trọng tâm quan hệ thương mại và đầu tư. Nếu nâng tầm đối tác chiến lược, quan hệ đó phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chúng ta hiện xuất siêu sang Pháp trong tỷ trọng thương mại 3,7 tỷ USD nhưng chỉ chiếm 1/100 tỷ trọng thương mại của Pháp với thế giới. Mặc dù cán cân thương mại giữa ta và Pháp luôn tăng theo thời gian nhưng mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vẫn nhiều hơn các doanh nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, có các lĩnh vực khác mà Pháp có thế mạnh như chuyển giao công nghệ thì khi lên đối tác chiến lược phải được đặt lên hàng đầu. Chuyển giao công nghệ không chỉ về năng lượng, giao thông mà cả quản lý đô thị, hàng không vũ trụ.

Đó là một số lĩnh vực mà khi trở thành đối tác chiến lược, chúng ta phải tập trung làm sâu sắc hơn nữa, thực chất và hiệu quả hơn thì mới xứng đáng là đối tác chiến lược của nhau.

PV:Việt Nam và Pháp đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ nhận định thế nào về mối quan hệ giữa hai nước trong 40 năm qua, đặc biệt những kỳ vọng cho Năm chéo 2013-2014 ?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Hợp tác hai nước trải rộng và chúng ta rất mừng vì năm nay sự kiện lịch sử chúng ta kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dấu mốc quan trọng nên hai nước đã quyết định lấy 2013-2014 là năm chéo. Các sự kiện quan trọng sẽ tổ chức không chỉ của Việt Nam tại Pháp mà cả của Pháp tại Việt Nam, nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, hội chợ, triển lãm.

Vừa rồi, tôi cùng Thủ tướng Pháp khánh thành khai trương gian hàng Việt Nam tại hội chợ châu Âu Strasbourg, một trong những hội chợ lớn nhất của Pháp.

Lần đầu tiên Việt Nam là khách mời danh dự và ông Thủ tướng Pháp đã đi thăm các gian hàng, gửi thông điệp nước Pháp muốn tăng cường hợp tác với chúng ta.

Hiện về giáo dục, đào tạo, chúng ta có trên 7.000 học sinh, sinh viên học tập tại Pháp. Trong lĩnh vực y tế, nước Pháp giúp đào tạo cho chúng ta hơn 2.500 bác sỹ và giáo sư đầu ngành. Đến giờ lực lượng nòng cốt của đội ngũ y học của chúng ta đại đa số được học tập, làm việc, trưởng thành tại Pháp.

Một hợp tác khác rất năng động, tích cực trong quan hệ hai nước là hợp tác giữa các địa phương.

Hiện có hơn 50 địa phương của Pháp và Việt Nam hợp tác mạnh mẽ trong nhiều vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường.

Những hợp tác đó rất quan trọng, sẽ tạo dựng gắn kết hợp tác giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ!