tau_my_o_bien_dong_ceak.jpg
Tàu Hải quân Mỹ USS Decatur. Ảnh: Reuters.

Trả lời câu hỏi về việc tàu khu trục của Trung Quốc áp sát tàu USS Decatur của Mỹ trên

, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/10 cho biết:

"Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và là một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, phù hợp với công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982".

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực để duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".

Trước đó, CNN đưa tin, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ và Trung Quốc đã “chạm mặt không an toàn” trên Biển Đông. Thông báo từ giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sự việc xảy ra sáng 30/9 khi tàu Hải quân Mỹ đang tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông [thuộc chủ quyền của Việt Nam-ND].

CNN dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown cho biết: “Tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận tàu USS Decatur một cách không an toàn và không chuyên nghiệp ở gần Đá Ga Ven trên Biển Đông”.

Theo ông Charles Brown, tàu của Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt động thái “gây hấn” để buộc USS Decatur rời khỏi khu vực này. “Tàu khu trục của Trung Quốc đã tiếp cận trong phạm vi 40m trước mũi tàu Mỹ buộc tàu Decatur phải chuyển hướng để tránh va chạm”, người phát ngôn Charles Brown nói thêm. Ông đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục “đưa máy bay và tàu hải quân tới bất cứ đâu được luật pháp quốc tế cho phép”.

Trước đề nghị đưa ra bình luận về tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng Washington sẽ không chùn bước trước hành động đe dọa của Bắc Kinh gần đây trên Biển Đông, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Các quốc gia cần phải có trách nhiệm đóng góp một cách có xây dựng và tích cực vào mục tiêu chung này, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”./.