Kể từ khi Việt Nam và Liên Xô (nay là Liên bang Nga) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay đã tròn 65 năm. Trong quãng thời gian đó hai nước đã trải qua những thăng trầm, biến động trong lịch sử thế giới và mỗi nước, cũng như trong mối quan hệ song phương.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – LB Nga (30/1/1950 – 30/1/2015) phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Vadim Bublikov, Đại biện lâm thời Nga tại Việt Nam về tình hình quan hệ hợp tác hai nước trong thời gian qua.
Phóng viên:Xin ông cho biết nhận định của mình về những thành tựu chính trong quan hệ Việt Nam – Nga trong thời gian qua?
Ông Vadim Bublikov:Trước hết, tôi xin gửi lời chúc mừng đến toàn thể thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp Năm mới Dương lịch vừa qua, cũng như Tết Nguyên đán sắp tới.
Ngày 30/1 tới chúng ta sẽ kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Việt. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại lịch sử quan hệ vẻ vang mà hai nước chúng ta đã trải qua. Chúng tôi không thể quên chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do.
Ngày nay chúng tôi tự hào rằng, dân tộc chúng tôi đã từng góp phần vào chiến thắng đó của nhân dân Việt Nam, cũng như rất vui mừng vì ở Việt Nam người dân hiểu rõ và luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trong thời điểm khó khăn đó.
Quan hệ truyền thống tốt đẹp này giúp chúng ta giải quyết những nhiệm vụ cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay. Gần đây quan hệ hai nước chúng ta đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trước hết phải nói rằng, được như vậy là nhờ có sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước đến sự phát triển quan hệ song phương. Lãnh đạo hai nước rất tích cực ủng hộ đối thoại chính trị.
Cụ thể là, chuyến thăm chính thức Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 11/2014 đã diễn ra rất thành công. Trong chuyến thăm này, Tổng bí thư đã có các cuộc hội đàm chi tiết với lãnh đạo cấp cao Nga.
Tiếp sau chuyến thăm đó, vào đầu tháng 12/2014 Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei E.Naryshkin đã sang thăm Việt Nam. Tại đây ông đã gặp gỡ và hội đàm với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Năm 2014, chúng ta đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) và Việt Nam.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam là nước đầu tiên mà Liên minh Hải quan ký Hiệp định tự do thương mại. Lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa hai nước chúng ta là lĩnh vực dầu khí. Ở Việt Nam hiện nay hoạt động hiệu quả nhất là Liên doanh dầu khí “Vietsovpetro”. Ngoài ra, còn có những dự án của các công ty dầu khí hàng đầu của Nga, như Rosneft và Gazprom. Phải nói rằng, hợp tác của chúng ta mang tính bình đẳng và những dự án như vậy trên lãnh thổ Nga cũng có sự tham gia của các đối tác Việt Nam.
Một lĩnh vực quan trọng khác nữa là lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân, như Nhà máy điện hạt nhân hiện nay của Việt Nam có sự tham gia của Tập đoàn nhà nước Nga “Rosatom”. Đây có lẽ là dự án quy mô nhất, phức tạp nhất và đầy triển vọng nhất trong lịch sử quan hệ Nga- Việt.
Về hợp tác trong lĩnh vực khoa học- công nghệ, thì quan trọng nhất là Trung tâm nghiên cứu khoa học nhiệt đới Việt- Nga. Những công trình nghiên cứu của Trung tâm này là rất có giá trị và đây cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác có triển vọng.
Còn trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, thì chúng tôi rất vui vì ở Việt Nam mặc dù có hợp tác với nhiều nước trong lĩnh vực này, nhưng nền giáo dục Nga vẫn có được tín nhiệm rất cao nhờ chất lượng đào tạo. Hiện có hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Nga.
Có thể thấy, Chính phủ Nga vẫn duy trì học bổng từ ngân sách liên bang dành cho công dân Việt Nam, số học bổng này vẫn tăng lên đều đặn và hiện là hơn 600 suất. Coi trọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, hiện nay hai nước chúng ta đang lập dự án mở tại Việt Nam Trường đại học công nghệ Việt- Nga. Dự án này sẽ cho phép đưa nền giáo dục Nga đến gần hơn với sinh viên Việt Nam, khi các giảng viên Nga, trong đó có những giảng viên của những trường đại học hàng đầu nước Nga, sẽ sang giảng dạy trực tiếp tại Việt Nam.
Một lĩnh vực hợp tác có đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy hợp tác những lĩnh vực khác nữa đó là du lịch. Năm 2014 đã có hơn 300.000 người Nga sang du lịch Việt Nam. Đây là tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong số các nước có du khách đến Việt Nam.
Lĩnh vực hợp tác nữa mà tôi cần nhắc đến, đó là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và nghiên cứu ứng dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình. Mới đây hai nước chúng ta đã ký kết Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, và đương nhiên, Nga rất quan tâm đến việc tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực này.
PV:Xin ông cho biết về vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nga hiện nay?
Ông Vadim Bublikov: Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng có vai trò ngày càng tăng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực này.
Đường lối đối ngoại này đã được nêu rõ trong những văn kiện chính thức của lãnh đạo Nga. Cụ thể, vấn đề này được xác định là nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại do Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn ngày 11/2/2014 và tại Sắc lệnh ngày 7/5/2014 của Tổng thống về các biện pháp thực hiện đường lối đối ngoại.
Trong đó nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga. Đặc biệt, đường lối đối ngoại này dựa trên mối quan hệ giàu truyền thống giữa hai nước, bởi chúng tôi luôn coi Việt Nam là đối tác tin cậy và lâu dài với mối quan hệ đã được kiểm chứng qua thời gian, đặc biệt là trong những năm tháng cam go nhất. Có thể nói rằng, hai nước chúng ta thực tế có những quan điểm tương đồng và gần nhau về các vấn đề cơ bản của thời cuộc.
PV: Ông có thể cho biết về những hướng phát triển trong quan hệ Việt Nam và LB Nga trong năm 2015 này và những năm tiếp theo?
Ông Vadim Bublikov: Nói đến phương hướng hợp tác hai nước, không thể không nhắc đến quan hệ kinh tế thương mại, bởi chúng ta luôn có sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển mối quan hệ này.
Trước hết, chúng tôi hy vọng vào Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho các đối tác Việt Nam.
Chúng tôi cũng mong và nỗ lực để tăng cường đầu tư của Nga vào Việt Nam, vì hiện nay tiềm năng hai nước vẫn chưa được tận dụng triệt để.
Chúng tôi cũng chào mời các nhà đầu tư Việt Nam ưu tiên đầu tư vào vùng Viễn Đông và Siberia trong lĩnh vực chế biến gỗ và thủy sản, đồng thời tạo mọi điều kiện thích hợp cho họ.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chúng tôi sẽ tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam và hy vọng rằng, Trường Đại học công nghệ Việt-Nga sẽ sớm đi vào hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác trong tất cả các lĩnh vực khác nữa như tôi đã đề cập ở trên./.
PV: Xin cảm ơn ông!