Ngày này 65 năm trước, Việt Nam và Indonesia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nhiều biến động chính trị trong khu vực và trên thế giới, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Indonesia do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno đặt nền móng ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm sáng trong mối quan hệ song phương và cả trên các diễn đàn đa phương.
Dấu ấn song phương
Ngày 30/12/1955, Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại, hai nước đã xây dựng nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno đặt nền móng. Sau năm 1975, Tổng thống Indonesia là nguyên thủ đầu tiên ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương thăm Việt Nam. Hai nước thiết lập Đối tác toàn diện vào năm 2003 và 10 năm sau thiết lập Đối tác chiến lược (năm 2013).
Năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thăm Indonesia. Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng đầu tiên kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959 đến Indonesia. Năm 2018, Tổng thống Joko Widodo thăm Việt Nam, đồng thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Indonesia. Nhân dịp này, hai bên đã ký Chương trình hành động lần thứ hai cho giai đoạn 2019-2023, đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực khác như hợp tác an ninh quốc phòng, kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Trong 5 năm qua thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng 60% từ 5,6 tỷ USD năm 2014 lên 9,1 tỷ USD năm 2019. Tổng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam là 589,98 triệu USD với 92 dự án (xếp thứ 28 trong danh sách các nhà đầu tư cả nước). Hai nước đạt mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid có thể làm chậm lại việc đạt chỉ tiêu này, song Chính phủ hai nước Việt Nam và Indonesia đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu kép là kiềm chế dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế, do vậy mục tiêu 10 tỷ USD sẽ sớm đạt được trong tương lai gần.
Hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục cũng được được thúc đẩy. Năm 2019, hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines và Vietjet Air với các chuyến bay thẳng từ TP Hồ Chí Minh tới Jakarta và Bali đã góp phần nâng 21,3% lượng khách du lịch Indonesia đến Việt Nam, đạt 108.000 lượt người vào năm 2019. Ngược lại, 96.024 người Việt Nam đã đến thăm Indonesia năm 2019, tăng 26,65% so với năm trước đó. Về giáo dục, hiện có hơn 100 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học của Indonesia và con số này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Cộng đồng người Việt Nam ở Indonesia có khoảng hơn 300 người, hiện sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều địa phương, song tập trung chủ yếu tại Jakarta, Yogyakarta, Bali và vùng phụ cận. Tuy không lớn, song cộng đồng người Việt Nam vẫn luôn gắn kết và có những hình thức đóng góp cho nước sở tại với những nét đẹp truyền thống quê hương. Trong khi đó có khoảng 900 người Indonesia đang làm việc và học tập tại Việt Nam, chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thường xuyên có các hoạt động đóng góp cho nước sở tại. Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta và Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội thường xuyên có các hoạt động thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Năm 2020, trước đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam và Indonesia đã tăng cường hợp tác ngăn chặn đại dịch. Trong khuôn khổ song phương, hai nước đã có những hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị. Chính phủ, Quốc hội và các doanh nghiệp của Việt Nam đã có những hỗ trợ Indonesia, trong đó có việc cung cấp các thiết bị y tế.
Hợp tác tại các diễn đàn đa phương
Hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ và phối hợp chính sách tại các diễn đàn đa phương như tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với tư cách là Chủ tịch ASEAN đến năm 2020, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các thành viên, bao gồm Indonesia, cũng như các đối tác bên ngoài để thúc đẩy các mục tiêu của ASEAN trong bối cảnh đầy thách thức.
Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN giữa ASEAN và các nước đối tác Đông Á, các cuộc họp cấp Bộ trưởng đặc biệt và các cuộc họp liên quan khác để thảo luận về các biện pháp ứng phó Covid-19 với sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong đó có Indonesia.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua và các hội nghị liên quan, Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 và các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Indonesia đã thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch triển khai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các tác động của đại dịch, khôi phục ổn định kinh tế và xã hội ở các nước ASEAN, thúc đẩy các kế hoạch duy trì sản xuất và ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối và khôi phục thương mại trong khu vực.
Thỏa thuận về hành lang đi lại ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được thông qua sẽ tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong bối cảnh của Covid-19, giúp hồi sinh và đẩy nhanh nền kinh tế ASEAN sau đại dịch.
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hai nước cũng cùng nhau thúc đẩy việc thông qua các nghị quyết liên quan về hợp tác chống đại dịch, cùng chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực mới nổi, đồng thời nhất trí duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin và định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Có thể nói, mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia đã trở thành chất xúc tác quan trọng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, xây dựng sự thịnh vượng cho khu vực và trên thế giới./.