Ngày 10/11 tại trung tâm báo chí của hãng thông tấn REGNUM-Moscow, Liên bang Nga diễn ra hội nghị bàn tròn về chủ đề “nguồn tài nguyên ASEAN trong điều kiện địa chính trị mới” nhân kỷ  niệm 50 thành lập ASEAN và hội nghị thượng đỉnh sắp tới của tổ chức này tại Philipine.

Việt Nam được đánh giá có vai trò như một mắt xích gắn kết giữa các nước ASEAN với Liên minh kinh tế Á-Âu(EAEU). Bên cạnh đó, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế của các bên ở các khu vực.

Đồng tổ chức hội nghị là Quỹ hỗ trợ nghiên cứu “Hội thảo ý tưởng Á-Âu”, hãng thông tấn REGNUM. Tham dự hội nghị có các chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác và luật pháp quốc tế, các nhà ngoại giao, lãnh đạo các cơ quan hành chính chuyên ngành, các nhà khoa học và kinh tế, lãnh đạo các tổ chức xã hội, sinh viên các trường đại học chuyên ngành.

nga_2_vov_xorh.jpg
Các diễn giả chủ trì hội nghị

Tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung như: ASEAN là một trong những khu vực hội nhập hết sức quan trọng, có ảnh hưởng về chính trị và kinh tế không chỉ ở khu vực mà cả ở quy mô địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển không tích cực của tình hình thế giới, ASEAN trở thành một trong những nhân tố ổn định, có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến cuộc chiến chống khủng bố, tự do thương mại, an ninh hàng hải, giải trừ vũ khí hạt nhân.

Vai trò của ASEAN trên thế giới ngày càng tăng, trong đó có sự tham gia tích cực của Việt Nam. Tầm vóc về kinh tế và chính trị của Việt Nam đang thúc đẩy sự lớn mạnh của tổ chức này. 

Theo giám đốc Hội đồng kinh doanh Nga-ASEAN-Phòng công nghiệp và Thương mại Nga Victor Tarusin, ASEAN là không gian kinh tế thống nhất, bởi vậy thị trường các nước này đặc biệt hấp dẫn. Các thành viên trong Hội đồng đang xem xét các phương án để xâm nhập thị trường ASEAN, nơi mà Việt Nam là một trong những vùng có triển vọng hơn cả, tiếp theo là Brunei và các nước khác. Cụ thể, ông Victor Tarusin cho rằng, có nhiều lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nga có thể mở rộng hoạt động ở Việt Nam và thông qua Việt Nam vươn tới thị trường các nước ASEAN.

“Ở đây có nhiều lĩnh vực có lợi, đó là du lịch, cần mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam với Nga. Tiếp theo rất quan trọng đó là phát triển thương mại điện tử và kinh tế điện tử, an ninh thông tin. Các công ty thông tin của Nga đã có mặt tại Việt Nam, trong đó có công ty hàng đầu. Cần sử dụng kinh nghiệm này để cổ vũ cho việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Công cụ quan trọng nữa là Phòng Thương mại và công nghiệp Nga có quan hệ hợp tác với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Các đối tác của chúng tôi ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là những dây dẫn tốt cho các doanh nghiệp Nga muốn bước vào thị trường Việt Nam”, ông Victor Tarusin.

Trong chính sách hướng đông của Nga, nước này cần tăng cường sử dụng các khả năng mà ASEAN đem lại, trong đó có nhân tố tình hữu nghị đặc biệt với Việt Nam, mà theo đánh giá của Tổng thống Nga V.Putin đang trở thành một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức này.

Ông Victor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Học viện Ngoại giao Nga (MGIMO) nhận định: “Nga hợp tác tích cực với ASEAN trên tất cả các hướng, như về vấn đề an ninh khu vực tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, về hợp tác kinh tế thương mại, về hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo… Vai trò của Việt Nam trong hợp tác giữa Nga với ASEAN càng được khẳng định do giữa 2 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao vai trò của Việt Nam, coi Việt Nam là mắt xích gắn kết quan trọng giữa ASEAN và Liên minh kinh tế Á-Âu(EAEU), mở rộng khu vực thương mại tự do của EAEU đến toàn vùng Đông-Nam Á.

Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ để giảm thiểu các trừng phạt chống Nga nhờ các công cụ của ASEAN. Bởi vậy, Nga cần đề xuất cho các đối tác ở khu vực Đông-Nam Á, gồm: Việt Nam, Philipine, Indonesia, Singapore và các nước khác trong “ASEAN-10” một chương trình hành động mới, tạo khả năng gắn kết các quốc gia về quan hệ kinh tế, giáo dục, văn hóa-nhân đạo.

Xuất phát từ điều này, cơ quan chính quyền cấp cao của Nga cần xem xét một cách hợp lý về nâng cao vị trí của Nga trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á(ASEAN). Bước đi này sẽ không chỉ nâng cao mức độ tin tưởng của các đối tác châu Á vào Nga mà còn cho phép nước này giải quyết nhiều vấn đề kinh tế cấp bách./.