Ngày 18/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD).

 

 

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN là văn kiện chính trị đầu tiên của ASEAN nhằm tạo khuôn khổ chung cho tăng cường hợp tác ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, với những ý nghĩa quan trọng.

Tuyên bố thể hiện nguyện vọng, quyết tâm và nỗ lực của người dân và Chính phủ các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân; khẳng định cam kết của ASEAN tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ  các quyền cơ bản của con người cũng như phấn  đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực như đã nêu trong Hiến chương ASEAN.

Tuyên bố thể hiện cam kết của ASEAN trong thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên và các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia.

Tuyên bố khẳng định lại  các giá trị nhân quyền chung, đi đôi với coi trọng các giá trị và đặc thù của ASEAN và các quốc gia trong khu vực, quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

AHRD bao gồm các phần: i) Phần mở đầu, ii) Các nguyên tắc chung, iii) Các quyền dân sự và chính trị, iv) Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, v) Quyền phát triển, vi) Quyền hưởng hòa bình, và vii) Hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; với 40 Điều.

Phần mở đầu khẳng định lại các mục đích, nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN; nhấn mạnh cam kết đối với Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền (UDHR), Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên bố và Chương trình hành động Viên...; khẳng định AHRD sẽ góp phần xây dựng khuôn khổ hợp tác nhân quyền ở khu vực và đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Phần các nguyên tắc chung nêu các nguyên tắc như bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền được công nhận, bảo vệ trước pháp luật, đối xử cân bằng giữa các quyền, cân bằng giữa quyền và trách nhiệm; tôn trọng đặc thù khu vực và sự đa dạng về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử… của mỗi nước cũng như pháp luật và trật tự xã hội trong thực thi nhân quyền; bảo đảm các nguyên tắc không thiên vị, khách quan, không chính trị hóa vấn đề nhân quyền...

Các quyền dân sự và chính trị bao gồm các quyền được sống; quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, quyền không bị nô dịch và buôn bán; quyền không bị tra tấn; quyền tự do đi lại, cư trú, tị nạn; quyền sở hữu tài sản; quyền có quốc tịch; quyền hôn nhân và gia đình, quyền được xét xử công bằng và bảo vệ trước pháp luật; quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp; quyền ứng cử, bầu cử trên cơ sở nội luật của mỗi nước.

Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm các quyền về việc làm, lập và tham gia công đoàn; hạn chế sử dụng lao động trẻ em; quyền đối với các dịch vụ xã hội cơ bản (lương thực, y tế, vệ sinh...); quyền nâng cao thể chất và chăm sóc sức khỏe; giúp đỡ và chống kỳ thị với người mắc bệnh truyền nhiễm; quyền hưởng an sinh xã hội và giáo dục; chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em; quyền văn hóa; nhấn mạnh việc thực hiện các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa cần phù hợp với khả năng và điều kiện của các quốc gia thành viên.

Phần về quyền phát triển khẳng định quyền phát triển là  thành tố quan trọng của nhân quyền, trong đó mỗi người có quyền tham gia, đóng góp và thụ hưởng công bằng các thành quả và lợi ích của phát triển; nêu các biện pháp thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực nhằm phục vụ và nâng cao cuộc sống của người dân khu vực.

Tuyên bố khẳng định mỗi cá nhân và các dân tộc ở khu vực đều có quyền hưởng hòa bình; các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác và hữu nghị để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hòa hợp ở khu vực.

Phần hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền khẳng định mong muốn, cam kết của các nước thành viên trong tăng cường hợp tác về nhân quyền./.