Cộng đồng ASEAN được triển khai từ năm 2009 và chính thức công bố ra đời vào ngày 31/12/2015. Tính đến tháng 7/2015, các nước ASEAN đã thực hiện được hơn 91% các giải pháp để hình thành Cộng đồng ASEAN, trong đó con số này ở Việt Nam là 94%.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Phiên giải trình của Quốc hội diễn ra hôm nay (18/8) tại Hà Nội với chủ đề “Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam”. Tại đây, đại diện các bộ, ngành cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội đối với việc thúc đẩy hợp tác trong Cộng đồng ASEAN.
Tại phiên giải trình, các đại biểu được cung cấp một cái nhìn tổng thế về tiến trình tham gia Cộng đồng ASEAN của Việt Nam trên lĩnh vực an ninh- chính trị, kinh tế và văn hóa- xã hội. Trong đó, vấn đề hội nhập kinh tế được nhiều đại biểu quan tâm và cũng là lĩnh vực hợp tác đưa lại nhiều kết quả nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, hội nhập kinh tế trong khuôn khổ ASEAN đưa đến cho Việt Nam nhiều cơ hội. Với thị trường 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 3000 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới.
Để tận dụng những cơ hội khi tham gia Cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh những vấn đề chính như: tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối về hội nhập; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; Thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ ASEAN; Tham gia các chương trình kết nối ASEAN; Cải cách thủ tục hành chính; Có các giải pháp đột phá về giáo dục, đào tạo nhằm tạo ra sự thay đổi về chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đặc biệt nhấn mạnh đến những điểm mới trong Đề án thông tin tuyên truyền. Theo ông, trước đây, chúng ta chỉ giới thiệu cam kết, cơ hội, thách thức thì bây giờ sẽ hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để họ biết cần phải làm gì.
Trên lĩnh vực luật pháp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã tiến hành rà soát hơn 500 văn bản pháp luật để tương thích với Cộng đồng ASEAN song hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay vẫn mang tính thụ động, chỉ cố gắng phù hợp với các cam kết quốc tế mà chưa tận dụng cơ hội trong các điều ước quốc tế.
Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: “Để giữ thế chủ động thì thông tin là vấn đề quan trọng nhất. Nếu quá trình đàm phán cứ bí mật thì rất khó. Nếu muốn cơ quan nhà nước, muốn cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân chủ động thực hiện thì họ phải tham gia vào quá trình xây dựng điều ước quốc tế, được chủ động đóng góp ý kiến”.
Tại phiên giải trình hôm nay, đại diện các bộ, ngành cũng kiến nghị Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam trong Đại hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA); cùng Quốc hội các nước ASEAN hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, tổ chức nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng ASEAN liên kết chặt chẽ và vững mạnh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập; thúc đẩy các bộ, ngành xem xét, lồng ghép các cam kết, thỏa thuận của ASEAN vào các chương trình quốc gia phát triển kinh tế- xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực khi tham gia hợp tác trong ASEAN./.