Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 4 lần mở rộng đến nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 thành viên của nhóm G20 - Nhóm các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…chiếm 59% dân số thế giới, đóng góp hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu. Chính vì thế các thành viên APEC đều hết sức coi trọng hợp tác trong diễn đàn.
Năm 2013, Hội nghị APEC diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, Vòng đàm phán Doha chưa có tiến triển….song với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được coi là động lực tăng trưởng và liên kết, nổi bật là hình thành các khuôn khổ mới như đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định kinh tế toàn diện ASEAN với 6 đối tác khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á..., APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, năm 2013 đánh dấu tròn 15 năm kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998. Trong suốt chặng đường 15 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác khác.
Điểm nhấn quan trọng trong tiến trình hội nhập đó là chúng ta đã đảm đương xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2006, đặc biệt là thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, một trong những Hội nghị được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC… Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC như Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 – 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 – 2013. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các kế hoạch, chương trình hợp tác và các cam kết của APEC; tích cực đề xuất và tham gia hơn 70 sáng kiến trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kỹ thuật, y tế, chống khủng bố...
Với chủ đề “Châu Á – Thái Bình Dương tự cường, Động lực cho tăng trưởng toàn cầu”, Hội nghị cấp cao APEC năm nay tập trung vào 03 ưu tiên là Thực hiện Mục tiêu Bogo, Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, và Tăng cường kết nối. Trong thời gian này cũng sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 25 của các Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC và cuộc gặp giữa các nhà Lãnh đạo APEC với hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu khu vực.
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2013, tại Indonesia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Indonesia và mang theo một thông điệp rõ ràng APEC là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu quan trọng chính thức công bố đăng cai Hội nghị cấp cao lần thứ 25 vào năm 2017. Điều đó một lần nữa khẳng định APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.
Với ý nghĩa quan trọng đó, cùng vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập và sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC 2013, vì sự năng động, tự cường và phát triển của Châu Á – Thái Bình Dương./.