Nằm trong hệ thống các căn cứ địa của miền Đông Nam bộ, căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở ấp Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (còn gọi căn cứ Tà Thiết) với những đặc điểm riêng của mình đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

ta_thiet_3_tr_fgce.jpg
Đoàn người đang chờ vào thấp nhang cho cố Thượng tướng Trần Văn Trà tại Khu căn cứ Tà Thiết
Trong những ngày tháng 4 này, cũng như các “địa chỉ đỏ” khác ở Nam bộ, căn cứ Tà Thiết ngày nào cũng đón nhiều du khách tham quan.

Bất chấp cái nắng oi bức của miền Đông Nam bộ, dòng người nối gót nhau vào thăm nơi ở và làm việc của Bộ Chỉ huy Miền với những người con ưu tú của đất nước như: Thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, Nữ tướng Nguyễn Thị Định – nguyên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, Chính ủy Phạm Hùng...

Nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Văn Trà
Đứng trước căn nhà của Thượng tướng Trần Văn Trà, Đại tá Lê Hùng - nguyên Trợ lý của Thượng tướng Trần Văn Trà kể lại những ý kiến chỉ đạo của Thượng tướng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Ông nói tuyến phòng thủ Xuân Lộc là tuyến quan trọng nhất nếu không mở ra thì Quân đoàn 2, Quân đoàn 1 không vào được. Cho nên các anh phải tập trung một sư hoặc hai trung đoàn mạnh diệt cho được Trung đoàn 52 ngay ngã ba Dầu Giây, làm chủ cho được đường 20, đường đi lên Đà Lạt, làm chủ từ Dầu Giây  lên huyện Trảng Bom. Chỉ đạo cho Bà Rịa - Vũng Tàu dùng lực lượng đón trên đường 2 để tiêu diệt khi địch tháo chạy. Chỉ có một điểm huyệt đó của ông Trà thôi mà giải quyết được vấn đề”.

Còn bà Nguyễn Thị Mẫn - nguyên là Trợ lý của Nữ tướng Nguyễn Thị Định cho biết, năm nào bà cũng đến đây và mỗi lần như thế, cảm xúc trong bà lại trào dâng: “Mỗi lần về đây tôi lại xúc động khi nhớ về những năm tháng mọi người sống cùng nhau chịu đựng gian khổ. Các cô, chú thương yêu chiến sĩ như những người thân của mình, bưng từng ly sữa cho anh em kể cả bảo vệ, người phục vụ những lúc họ đau ốm, chúng tôi xúc động và nhớ mãi”.

Đến với khu di tích này, không chỉ có những cán bộ, chiến sĩ hưu trí; những người đã từng làm việc và chiến đấu tại đây còn có cả những nhà nghiên cứu lịch sử, những tân binh, học sinh sinh viên.

Trung úy Trương Công Huy, hiện đang công tác tại Ban Tổng kết lịch sử quân sự, Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 cho biết: “Những chuyến đi như thế này rất cần thiết để thế hệ trẻ biết được các cơ sở, điều kiện nơi làm việc của cha ông mình như thế nào. Trong điều kiện đó, cùng với nỗ lực hết mình, cha ông mình đã có những quyết sách đúng đắn đưa con đường cách mạng đến chiến thắng cuối cùng. Đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Mặc dù chỉ hình thành và tồn tại trong một thời gian ngắn (1973-1975) nhưng căn cứ Tà Thiết có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Đây là nơi nhận bức điện 37TK của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Nói về vai trò, vị trí của căn cứ Tà Thiết, Trung tướng Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho biết: “Đây chính là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng đối với một căn cứ chỉ huy của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. Chúng ta di chuyển về tổ chức tại đây để tiếp nhận được những chỉ thị của Bộ Chính trị, của Trung ương Cục miền Nam của Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các hoạt động tác chiến ở trên khu vực B2 này”.

Nơi làm việc của Bộ Chỉ huy Miền
Căn cứ Tà Thiết không chỉ ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn của dân tộc trong thế kỷ XX mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam. Với những giá trị lịch sử to lớn ấy, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích cấp quốc gia.

Tự hào với mảnh đất của quê hương, tỉnh Bình Phước đã tập trung bảo tồn, quy hoạch, phát triển khu du lịch, dịch vụ Di tích Tà Thiết. Ông Nguyễn Huy Phong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh: “Căn cứ Tà Thiết có một vị trí quan trọng trong hệ thống căn cứ cách mạng miền Nam. Với ý nghĩa lịch sử đó, tỉnh Bình Phước đã tăng cường công tác quản lý di tích này. Đặc biệt trong quy hoạch khu di tích, tỉnh chủ trương để triển khai thực hiện trong thời gian tới với quy mô lớn khoảng 500 ha vùng lõi trong tổng thể quy hoạch khoảng 3.500 ha, xây dựng các công trình phục vụ cho việc tham quan du lịch về nguồn để các thế hệ sau này về đây biết được di tích lịch sử này”.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, những con người từng sống và làm việc ở căn cứ Tà Thiết năm xưa, nay có người đã trở về với tổ tiên; với những người đang sống, họ vẫn giữ được khí phách anh hùng, niềm lạc quan và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Còn căn cứ Tà Thiết đã trở thành di tích lịch sử quý giá, nơi góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chiến đấu hào hùng của các thế hệ cha anh./.