Hội nghị được truyền hình trực tuyến để cán bộ, công nhân viên chức Vụ địa phương 2 tại Đắc Lăk và Vụ địa phương 3 tại Cần Thơ cùng tham gia.Phát biểu tại hội nghị, ông Sơn Minh Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu các đại biểu của Ủy ban Dân tộc ngoài đóng góp chung cần nghiên cứu góp ý sâu về vấn đề dân tộc.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 9 điều nói về lĩnh vực dân tộc, riêng Điều 5 bản Dự thảo có nội dung khái quát, khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Là thành viên Tổ giúp việc trực tiếp tham gia ý kiến hoàn thành bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bà Hoàng Thị Phương Hoa - Vụ trưởng Vụ pháp chế Ủy ban Dân tộc cho biết: Quan điểm xây dựng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (phần quy định về dân tộc) đã đặt vị trí các dân tộc thiểu số sinh sống trên đất nước Việt Nam trên nguyên tắc bình đẳng, các dân tộc đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Điều 5 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước./.