Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 vừa kết thúc thành công tại thành phố Đà Nẵng.
Diễn đàn lần này có sự tham gia của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác: gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ. Trong 2 ngày tổ chức (27-28/8), nội dung xuyên suốt tại 10 phiên họp của các Diễn đàn là tăng cường hợp tác biển, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và xây dựng lòng tin trong khu vực.
Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn này, phóng viên Đài TNVN tại miền Trung đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam về kết quả của diễn đàn này.
PV:Ông có thể đánh giá những kết quả đạt được từ các Diễn đàn biển ASEAN lần này?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Diễn đàn lần này đã trao đổi hàng loạt vấn đề rất sát sườn với việc bảo đảm hòa bình, an ninh cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực biển như: Bảo đảm được môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở đây; Những biện pháp bảo đảm xây dựng lòng tin để tăng cường hợp tác hơn nữa, trong đó có những lĩnh vực như là ứng phó với thiên tai hay là sự cố về tàu bè ở trên biển; Việc thực hiện Công ước về luật biển nhân 20 năm Công ước có hiệu lực.
Hội nghị lần này cũng đã bàn về phương hướng tương lai của Diễn đàn biển ASEAN mở rộng. Trong trao đổi các nước nhấn rất mạnh vào việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước luật biển để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở khu vực này và làm sao phải tránh được những phức tạp như diễn biến vừa qua.
Chúng ta thực hiện cho tốt điều 5 của DOC liên quan đến thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời yêu cầu ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa tham vấn để sớm có bộ quy tắc ứng xử về COC.
Các nước cũng đã đã trao đổi nhiều về những lĩnh vực hợp tác, coi xây dựng lòng tin là điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa. Lần này đã trao đổi về những kinh nghiệm về hợp tác, cứu trợ nhân đạo, liên quan đến vụ tai nạn máy bay MH370 cũng như là vụ hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão Hải Yến.
Qua trao đổi các nước thấy rằng, để làm được điều đó thứ nhất là phải xây dựng được lòng tin và thứ 2 là tăng cường xây dựng các khuôn khổ hợp tác khu vực.
PV: Vậy các đối tác trong Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần này đã có những đóng góp như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Các nước đối tác cũng chia sẻ những nội dung đó là phải bảo đảm cho môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, mà quan trọng nhất là dựa trên luật pháp quốc tế, công ước luật biển và các thoả thuận khu vực.
Trong khi tình hình còn diễn biến phức tạp thì điều cần phải làm trước hết là kiềm chế, giảm căng thẳng và không làm phức tạp tình hình. Quy định của luật pháp quốc tế, Công ước luật biển và DOC là rất quan trọng, các nước đối tác cũng ủng hộ chuyện này và họ chia sẻ rất nhiều những kinh nghiệm có thể làm được.
Trong hợp tác về những vấn đề biển, việc thúc đẩy xây dựng lòng tin là rất quan trọng. Thứ 2, trong bất cứ việc nào để hợp tác được, người ta cũng phải tính được những dàn xếp, những thoả thuận khu vực để các nước có thể hợp tác thuận lợi nhất. Thứ 3, các nước cũng nhấn mạnh những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới như: ứng phó với thiên tai, ứng phó với sự cố về mặt tàu thuyền đi lại trên biển, tăng cường giúp đỡ nhân đạo, tăng cường hợp tác về tìm kiếm và cứu hộ và nếu thiết lập được những dàn xếp khu vực, trong đó có cả việc dàn xếp những đường dây nóng có thể liên hệ được với nhau rất quan trọng.
PV: Xin ông cho biết những định hướng tương lai của các Diễn đàn biển ASEAN?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Về định hướng tương lai của Diễn đàn biển lần này, các nước đều nhấn mạnh: đây là diễn đàn có thể hỗ trợ cho các diễn đàn chuyên ngành của ASEAN liên quan đến an ninh, an toàn, hàng hải và hợp tác biển.
Nhưng diễn đàn lại bàn bạc những vấn đề chiến lược và những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều trụ cột khác nhau. Đồng thời, nó ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong Diễn đàn biển ASEAN mở rộng.
Những kết quả, khuyến nghị của Diễn đàn biển ASEAN mở rộng phải được báo cáo lên một kênh chính thức của ASEAN và những kênh liên quan để có thể trở thành chính sách chung của ASEAN và ASEAN với các bên đối tác.
Dự kiến trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ tìm cách bàn bạc làm sao có thể từ những gợi ý, khuyến nghị của Diễn đàn biển ASEAN cũng như Diễn đàn biển ASEAN mở rộng để trở thành quyết sách của ASEAN.
Tại Diễn đàn lần nay, cũng có những gợi ý rất hay chẳng hạn như việc kết nối giữa các diễn đàn để tăng cường hơn nữa đóng góp của diễn đàn này nên chăng xây dựng website của Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng.
PV: Vâng, xin cám ơn ông!./.