Dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, tổng công ty trực thuộc UBND, Hội đồng nhân dân và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chính sách đất đai. Dự thảo Luật Đất đai sử đổi gồm 14 chương, 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai hiện hành. Dự thảo có nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý là quy định rõ quyền của nhà nước trong quản lý đất đai, bổ sung thêm các trường hợp sử dụng đất đai và quy định tất cả các trường hợp giao dịch về đất đai phải đăng ký.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, công tác tổ chức lấy ý kiến đất nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi phải được triển khai dân chủ, công khai và theo nhiều hình thức để mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia; các ý kiến phải được thu thập đầy đủ, chính xác, giải trình nghiêm túc. Người dân có thể trình bày ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản đến các cơ quan chức năng, thảo luận tại hội nghị theo khu vực và vùng hoặc nêu ý kiến thông qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng Nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung uơng.

Theo kế hoạch, kết quả đóng góp ý kiến sẽ được gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 5/4/2013 và trình Chính phủ trước ngày 15/4/2013. Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục phó Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ TN-MT cho rằng Luật sửa đổi lần này thực hiện công phu, khoa học và khách quan dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn và thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đất đai. Chương về quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai là nội dung hoàn toàn mới. Các quận, huyện, thành phố có thể tập trung đóng góp ý kiến cho nội dung này./.