Sáng nay (18/4), tại trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp |
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với: Báo cáo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử giữa Trung ương và địa phương trong hoạt động điều tra, truy tố, xét sử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng biểu dương Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị công phu, chu đáo các tài liệu phục vụ cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là: Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam; Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương; Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, phần liên quan đến các quyết định và kiến nghị của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án; và các vụ án đang điều tra thuộc giai đoạn 2 được tách ra hoặc Hội đồng xét xử khởi tố, kiến nghị tại phiên tòa từ các vụ án: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; Dương Thanh Cường và đồng phạm; Phạm Văn Cử và đồng phạm; Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kinh nghiệm vừa rồi qua mấy vụ cho thấy, không chờ điều tra đầy đủ rồi đưa ra xử một lúc, mà làm từng bước vững chắc, điều tra kết luận đến đâu xử lý đến đó, tách ra làm nhiều nấc. Yêu cầu sắp tới tập trung vào một số vụ án trọng điểm đặc biệt quan trọng được dư luận quan tâm, nhưng lộ trình phải từng bước một, đừng để chờ một lúc không có cầu toàn”.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất cơ chế chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử Trung ương và địa phương trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.
Liên quan đến việc xử lý một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo Tổng Bí thư cần lựa chọn, xác định một số vụ án, vụ việc cụ thể để tập trung giải quyết, có trọng tâm, trọng điểm.
“Từng cơ quan theo chức năng cần chủ động xử lý giải quyết công việc của mình trên cơ sở kế hoạch chung của Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo. Ví dụ Bộ Công an cần củng cố lại các cơ quan điều tra, nếu ai có vấn đề thì thay ngay, chấn chỉnh chỗ giám định. Ban Nội chính Trung ương cần chủ động hơn nữa xử lý cho hết cơ chế phối hợp và phải là cơ quan chủ động đề xuất xử lý các vụ việc”, Tổng Bí thư cho biết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, cùng với việc xử lý bên Nhà nước, việc xử lý kỷ luật bên Đảng cũng cần được quan tâm thích đáng hơn, sắp tới phải làm mạnh hơn nữa như xử lý kỷ luật Đảng, do đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần sớm xây dựng quy chế về vấn đề này./.