Hôm nay (25/1), kết thúc Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ, Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ những năm tới.
VOV trân trọng giới thiệu Toàn văn Tuyên bố Delhi:
Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
CHÚNG TÔI, những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng hòa Ấn Độ, đã có mặt tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 25 tháng 1 năm 2018 để kỷ niệm 25 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ với chủ đề "Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh";
TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết định hướng Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ dựa trên các nguyên tắc, mục tiêu, giá trị và chuẩn mực chung được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á về Nguyên tắc Quan hệ cùng có lợi và Tuyên bố Tầm nhìn được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ ngày 20 tháng 12 năm 2012, và ủng hộ Hiến chương ASEAN;
GHI NHẬN những mối giao lưu văn hoá và liên kết văn minh giữa khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ hàng ngàn năm qua đã trở thành nền tảng vững chắc cho hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong một thế giới ngày càng gắn kết với nhau;
ĐÁNH GIÁ CAO những thành tựu đã đạt trong 25 năm qua của Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, bao gồm an ninh-chính trị, kinh tế và văn hoá-xã hội;
HÀI LÒNG GHI NHẬN tiến triển trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác ASEAN-Ấn Độ vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung (2016-2020) và Danh mục ưu tiên cho giai đoạn 2016-2018 nhằm Triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ;
ĐÁNH GIÁ CAO sự ủng hộ của Ấn Độ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và đóng góp của Ấn Độ cho nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực, và cho quá trình hội nhập và xây dựng Cộng đồng ASEAN, bao gồm thông qua hỗ trợ thực hiện văn kiện ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước, Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC), và Kế hoạch Công tác về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III;
HOAN NGHÊNH nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức tại các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ trong năm 2017 và đầu năm 2018, đưa Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ tới các tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trẻ hai bên thông qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên ASEAN-Ấn Độ, Giái thưởng Thanh niên và Chương trình Lãnh đạo trẻ ASEAN - Ấn Độ, và Liên hoan Âm nhạc ASEAN - Ấn Độ;
THEO ĐÓ nhất trí:
1. Tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ vì lợi ích chung, trong các lĩnh vực hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội và phát triển, thông qua củng cố các cơ chế thể chế liên quan và mở rộng mạng lưới giữa các cơ quan chính phủ, quốc hội, nhóm doanh nghiệp, các nhà khoa học, học thuật, các viện nghiên cứu, giới truyền thông, thanh niên và các bên liên quan khác để xây dựng một cộng đồng hòa bình, hòa hợp, đùm bọc và chia sẻ trong khu vực của chúng ta.
2. Tiếp tục nỗ lực và hợp tác để triển khai đầy đủ, có hiệu quả và kịp thời Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ đối tác vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung (2016-2020).
3. Tăng cường hơn nữa cam kết và hợp tác cấp cao trong khuôn khổ hiện có của Quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao với Ấn Độ (PMC+1), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) mở rộng, và các cơ chế cấp bộ/ngành giữa ASEAN và Ấn Độ;
4. Tiếp tục hỗ trợ và đóng góp vào quá trình hội nhập ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Hợp tác chính trị và an ninh
5. Tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chung về an ninh khu vực và quốc tế mà các nước cùng quan tâm và đảm bảo một cấu trúc khu vực có tính mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ trong cấu trúc khu vực thông qua các khuôn khổ và cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt như PMC+1 với Ấn Độ, ARF, EAS, ADMM mở rộng, và Hội nghị tham vấn giữa Các quan chức cấp cao của ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) với Ấn Độ.
6. Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực và các hoạt động hợp pháp khác trên biển bao gồm thông thương hợp pháp không bị cản trở; thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các tiêu chuẩn liên quan và thông lệ được khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Theo đó, chúng tôi ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ sớm được hoàn tất.
7. Tăng cường hợp tác hàng hải thông qua các cơ chế liên quan hiện có bao gồm Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) nhằm giải quyết những thách thức chung liên quan tới những vấn đề biển.
8. Hợp tác ngăn chặn và quản lý tai nạn và sự cố trên biển và thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa ASEAN và Ấn Độ trong tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, phù hợp với các quy trình và thông lệ hiện hành, bao gồm cả các quy định của ICAO và IMO, cũng như khuyến khích các viện nghiên cứu tăng cường tham gia vào các vấn đề về biển cùng với việc gia tăng hợp tác về giáo dục, nghiên cứu, phát triển và đổi mới.
9. Tăng cường hợp tác chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, , chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan và cực đoan hoá thông qua việc chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi pháp luật và xây dựng năng lực trong khuôn khổ các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN SOMTC + Ấn Độ, Nhóm chuyên gia về chống khủng bố ADMM mở rộng (EWGCT) và các khuôn khổ khác như Tuyên bố chung về Hợp tác chống khủng bố quốc tế ASEAN - Ấn Độ 2003, Tuyên bố EAS về Chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan năm 2015, Tuyên bố của EAS về Chống truyền bá hệ tư tưởng khủng bố, vàTuyên bố của Lãnh đạo EAS về chống rửa tiền và tài tài trợ chủ nghĩa khủng bố được thông qua năm 2017; và Kế hoạch hành động ARF về Chống Khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Thêm vào đó, tăng cường hợp tác và phối hợp trong phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia khác, bao gồm buôn lậu và buôn bán người, buôn lậu ma túy, tội phạm mạng, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển.
10. Ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố Langkawi về Phong trào Ôn hòa toàn cầu nhằm thúc đẩy hoà bình, an ninh, tôn trọng pháp quyền, phát triển bền vững và bao trùm, tăng trưởng cân bằng và xã hội hài hòa.
11. Tái khẳng định cam kết và thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện chống khủng bố thông qua hợp tác chặt chẽ bằng cách ngăn chặn và chống lại khủng bố, các tổ chức và mạng lưới khủng bố, trong đó có việc ngăn chặn các nhóm khủng bố và phần tử khủng bố nước ngoài di chuyển qua biên giới, và các tổ chức khủng bố lợi dụng internet gồm cả mạng xã hội; tăng cường hợp tác để ngăn chặn các nỗ lực tài trợ khủng bố, ngăn chặn các nhóm khủng bố tuyển mộ thành viên; ủng hộ nỗ lực xác định các nhóm khủng bố và các khu ẩn náu;, và tiếp tục các biện pháp khẩn cấp để chống lại và ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nhấn mạnh các hành động khủng bố là không thể biện minh được với bất kỳ lý do gì.
12. Hợp tác với cộng đồng quốc tế để đảm bảo tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến chống khủng bố, và ghi nhận nỗ lực thương lượng Công ước toàn diện về chống khủng bố quốc tế (CCIT) tại Liên hợp quốc.
13. Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ về xây dựng năng lực và phối hợp chính sách về an ninh mạng, bao gồm thông qua việc hỗ trợ thực hiện Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN, Kế hoạch công tác ARF về an ninh và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs), hoạt động của Cuộc họp giữa kỳ của ARF về An ninh và sử dụng ICTs; tăng cường hơn nữa các sáng kiến khu vực về xây dựng năng lực không gian mạng do các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN tiến hành và dựa trên các cuộc thảo luận tại Hội nghị An ninh mạng ASEAN - Ấn Độ năm 2015 và Đối thoại ASEAN-Ấn Độ về không gian mạng lần thứ nhất vào năm 2018.
Hợp tác kinh tế
14. Tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ, bao gồm tận dụng đầy đủ và triển khai hiệu quả Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Ấn Độ và đẩy mạnh nỗ lực trong năm 2018 nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi.
15. Hợp tác để bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và xử lý những nguy cơ đối với các nguồn tài nguyên này bao gồm đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát, suy thoái hệ sinh thái ven biển và tác động tiêu cực của ô nhiễm, axit hóa đại dương, rác thải biển, và các loài sinh vật xâm lấn vào môi trường biển. Theo đó, thăm dò khả năng hợp tác về kinh tế biển xanh và ghi nhận đề xuất của Ấn Độ về khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực này.
16. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không theo Khuôn khổ Hợp tác hàng không ASEAN - Ấn Độ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông ASEAN lần thứ 14 tại Manila vào ngày 6 tháng 11 năm 2008, trong đó có việc tổ chức các cuộc tham vấn về dịch vụ hàng không của Nhóm Công tác ASEAN-Ấn Độ về các Thoả thuận dịch vụ hàng không khu vực và thiết lập hợp tác vận tải hàng không về các vấn đề kỹ thuật, kinh tế và quy định giữa ASEAN và Ấn Độ. Thiết lập những mối liên kết hàng không chặt chẽ giữa ASEAN và Ấn Độ nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại và tăng cường kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ.
17. Tăng cường hợp tác về vận tải biển giữa ASEAN và Ấn Độ, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc phát triển cảng biển, mạng lưới dịch vụ hậu cần và dịch vụ hàng hải nhằm tạo ra các mối liên kết hiệu quả hơn; và khuyến khích ASEAN và Ấn Độ tiếp tục thảo luận về các lĩnh vực ưu tiên này.
18. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không và hàng hải và mong muốn nhanh chóng hoàn tất Hiệp định vận tải hàng không ASEAN - Ấn Độ (AI-ATA) và Hiệp định vận tải biển ASEAN - Ấn Độ (AI-MTA).
19. Tăng cường hợp tác ICT để nâng cao các chính sách ICT, xây dựng năng lực, cải thiện kết nối số cũng như cơ sở hạ tầng và dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực ICT thông qua việc thành lập các Trung tâm Đào tạo và Phát triển phần mềm (CESDT) tại một số quốc gia ASEAN thành viên, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp về ICT và nghiên cứu thăm dò các công nghệ mới để áp dụng; hài hòa với Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN năm 2025 và Kế hoạch Tổng thể về CNTT-TT ASEAN năm 2020.
20. Thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng ổn định và bền vững của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME), bao gồm thông qua chuyển giao và phổ biến, ứng dụng và điều chỉnh thích ứng công nghệ cũng như tăng cường xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, kênh phân phối, công cụ hỗ trợ tài chính, khả năng tiếp cận công ghệ sáng tạo và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, cũng như việc sử dụng Quỹ Phát triển Dự án và Quỹ Dự án Tác động Nhanh khi phù hợp.
21. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực lâu dài trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng; thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo thông qua các khuôn khổ quốc tế, trong đó có Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA).
22. Tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trong ngành khoa học và công nghệ hợp tác về các chương trình Cơ sở Sáng tạo ASEAN-Ấn Độ, Chương trình Học bổng Nghiên cứu và Đào tạo ASEAN-Ấn Độ, và Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Hợp tác ASEAN -Ấn Độ, trong những lĩnh vực phù hợp với Kế hoạch Hành động ASEAN về khoa học, công nghệ và đổi mới (APASTI) 2016-2025, trong đó bao gồm công nghệ nano, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, và nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật.
23. Tiếp tục hợp tác khai thác không gian vũ trụ vì mục đích hoà bình, thông qua việc thực hiện Chương trình Hợp tác Không gian ASEAN-Ấn Độ, bao gồm phóng vệ tinh, giám sát thông qua Theo dõi từ xa và Trạm Chỉ huy và sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh phục vụ cho việc khai thác bền vững tài nguyên đất, biển, không khí và kỹ thuật số vì sự phát triển đồng đều của khu vực, cũng như thăm dò khả năng hợp tác trong nghiên cứu và phát triển trong các công nghệ vũ trụ mới như vệ tinh nhỏ, truyền thông liên vệ tinh, truyền động vệ tinh và phân tích dữ liệu không gian.
24. Tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp thông qua Hội đồng kinh doanh ASEAN-Ấn Độ; khuyến khích các sự kiện thương mại nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu của các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp ASEAN và Ấn Độ, qua đó mở rộng hơn nữa và làm sâu sắc hơn nữa liên kết kinh tế. Chúng tôi cũng mong chờ việc thành lập Trung tâm Thương mại và Đầu tư ASEAN -Ấn Độ.
Hợp tác văn hóa- xã hội
25. Hợp tác thúc đẩy các liên kết lịch sử vàvăn minh giữa ASEAN và Ấn Độ bằng cách tạo dựng nền tảng cho việc trao đổi kiến thức giữa các nhà hoạch định chính sách, quản lý và nghiên cứu liên quan đến di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; tăng cường nỗ lực bảo tồn, bảo vệ và khôi phục các biểu tượng, công trình văn hoá lịch sử với quan tâm chung nhằm phản ánh mối liên hệ văn hoá và lịch sử giữa ASEAN và Ấn Độ, trong đó có đề xuất của Ấn Độ về việc lập bản đồ các dòng chữ cổ dọc theo sông Mêkông và tổ chức các hội nghị và các hoạt động về Lên kết văn hoá và văn minh ASEAN-Ấn Độ;
26. Khuyến khích hợp tác về y tế trong các lĩnh vực có liên quan đến Chương trình nghị sự Phát triển Y tế ASEAN sau 2015, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường hệ thống y tế, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, sản phẩm y tế an toàn và chất lượng cao cũng như và các loại thuốc chất lượng tốt với giá cả phù hợp, trong đó bao gồm các loại thuốc cổ truyền và thuốc bổ.
27. Củng cố một mối liên kết văn hóa mạnh mẽ thông qua thúc đẩy du lịch văn hoá và tiếp tục tăng cường giao lưu nhân dân qua các chương trình như Đối thoại Delhi, Mạng lưới các Viện nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ, chương trình Loạt Bài giảng của các nhân vật nổi tiếng ASEAN - Ấn Độ (AIEPLS), các khóa đào tạo ngoại giao, cũng như các chương trình trao đổi sinh viên, nghị sĩ, nông dân, truyền thông, và các chương trình thanh thiếu niên khác.
28. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và thanh thiếu niên, dưới hình thức thành lập các Trung tâm Đào tạo Anh Ngữ, Đào tạo và Phát triển Doanh nhân và cấp học bổng hàng năm như học bổng Hợp tác kinh tế kỹ thuật Ấn Độ (ITEC), Học bổng Thiện chí ASEAN-Ấn Độ, Học bổng Nalanda; và thăm dò khả năng thành lập một mạng lưới các trường đại học ASEAN-Ấn Độ, và khuyến khích trao đổi giữa các trường đại học, bao gồm thông qua Mạng lưới các Trường Đại học ASEAN.
29. Tăng cường hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, bao gồm hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo về Quản lý thiên tai (Trung tâm AHA) trong việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN ứng phó chung với thiên tai trong và ngoài khu vực, và thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Trung tâm AHA và đối tác Ấn Độ để phối hợp tốt hơn trong quản lý thiên tai trong khu vực;
30. Thúc đẩy đối thoại giữa các quan chức chính phủ và các bên liên quan về vấn đề tăng cường năng lực của phụ nữ, thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em và xóa bỏ mọi hình thức bạo lực cũng như thúc đẩy doanh nhân nữ, phù hợp với Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2020, cũng như hỗ trợ các khuôn khổ và cơ chế liên quan của ASEAN về vấn đề này;
31. Thúc đẩy hợp tác trong quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, bao gồm việc hỗ trợ thực hiện các biện pháp chiến lược có liên quan như Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá xã hội ASEAN (ASCC) 2025, các ưu tiên của Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Môi trường (ASOEN) và Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu (AWGCC) giai đoạn 2016-2025.
32. Tăng cường hợp tác trong công tác bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học, thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung và chương trình xây dựng năng lực nhằm giải quyết tình trạng biến mất của đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái, trong đó có việc hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN (ACB).
33. Thăm dò khả năng hợp tác trong việc xây dựng liên minh, quan hệ trao đổi và hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong các vấn đề công vụ, trong đó có việc đào tạo công chức các nước ASEAN với mục tiêu hỗ trợ tiến trình hội nhập ASEAN và thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Kết nối
34. Tái khẳng định cam kết về tăng cường kết nối hạ tầng và kết nối số phù hợp với Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và AIM2020, trong đó có việc sử dụng khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD do Ấn Độ công bố để thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng và kết nối số.
35. Khuyến khích việc hoàn thành sớm Dự án Đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan và mở rộng dự án này tới Campuchia, Lào và Việt Nam.
Hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển
36. Hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với các nỗ lực của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong mỗi nước cũng như giữa các nước thành viên ASEAN thông qua việc thực hiện Kế hoạch Công tác IAI III.
Được thông qua tại New Delhi, Ấn Độ, vào ngày 25/1/2018./.
Thủ tướng đề xuất 3 trọng tâm đưa hợp tác ASEAN-Ấn Độ thành điểm sáng