Cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức hôm nay (20/6), thu hút sự tham dự của nhiều tổ chức Mỹ hoạt động trong lĩnh vực này. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở đầu cho mô hình hợp tác mới giữa các tổ chức phi chính phủ Mỹ và Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, trường Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, nhận thức và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đã thay đổi rất lớn trong vòng 20 năm qua. Đời sống tôn giáo trong nước chưa bao giờ sôi động như hiện nay và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tạo ra sự ổn định trong xã hội.

ton-giao2.jpg
Ký kết Biên bản ghi nhớ tại buổi tọa đàm

Số người theo tôn giáo đã tăng từ 22 triệu lên 25 triệu chỉ trong vòng 2 năm, trong khi số tôn giáo được công nhận đã tăng từ 6 lên 13 trong vòng 8 năm. Rất nhiều tôn giáo có đại diện trong Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội, góp phần củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc. Việt Nam luôn cố gắng xây dựng luật pháp về tôn giáo phù hợp với thông lệ quốc tế, trong trường hợp có xung đột giữa luật trong nước và quốc tế thì áp dụng các điêu luật quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Giáo sự Đỗ Quang Hưng cho biết: “Trong chiều hướng phát triển của chính sách tôn giáo, chúng tôi có cơ sở để hy vọng rằng Việt Nam sẽ có một chính sách công về tôn giáo để tạo ra bước khởi đầu thực sự cho sự hoàn thiện của một Nhà nước pháp quyền về tôn giáo. Theo kinh nghiệm của thế giới thì không thể giải quyết xung đột giữa tôn giáo với xã hội dân sự, tôn giáo với Nhà nước nếu thiếu hệ thống pháp quyền về tôn giáo”.

Tiến sỹ Chris Seiple, Chủ tịch Viện Can dự Toàn cầu (IGE), môt tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao những tiến triển về tự do tôn giáo tại Việt Nam: “Tại khu vực Tây Bắc đã có hơn 300 nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2000. Ngay trong tuần này, một chủng viện Tin lành đã lần đầu tiên được đăng ký tại Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ 150.000 USD cho công tác nghiên cứu về vấn đề tôn giáo và pháp quyền. Chúng tôi đồng hành với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nếu không có những quyết định tích cực của Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động tại đây”.

Tiến sỹ Seiple cho biết trong vòng chưa đầy 1 năm, tổ chức IGE đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam tổ chức 2 chương trình tập huấn về pháp quyền và tôn giáo tại Hà Nội và TP HCM với sự tham gia của hơn 160 học viên, bao gồm các học giả, thẩm phán, luật sư và cán bộ Ban Tôn giáo Chính phủ và địa phương.

Chia sẻ đánh giá của Tiến sỹ Seiple, Luật sư Lauren Homer nhấn mạnh tới những chuyển biến mạnh mẽ tại Việt Nam so với lần đầu tiên bà tới đây. “Cách đây 18 năm, tôi đến Việt Nam để thảo luận về một dự án dinh dưỡng cho trẻ em và có cơ hội đi thăm rất nhiều làng xã quanh khu vực Hà Nội. Khi đó, lương thực cũng như các điều kiện y tế, giáo dục còn rất thiếu thốn, và hầu như không có sự hiện diện của các tổ chức tôn giáo hay phi chính phủ nước ngoài nào. Một số hội thánh chính thức được thành lập ở các đô thị lớn nhưng không có nhiều hoạt động. Nhìn lại thời điểm đó, chúng ta mới thấy Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Người ngoài cuộc khó có thể hình dung được Việt Nam thiếu thốn các nguồn lực như thế nào để có thể giải quyết biết bao vấn đề như vậy. Chính vì thế mà tôi muốn được chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo” – Tiến sỹ Seiple nói.

Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có 2 mặt. Tốc độ phát triển của các hoạt động tôn giáo hiện nay cũng đồng nghĩa với những thách thức mới mà nhà nước Việt Nam không thể giải quyết ngay hoặc cùng một lúc. Theo Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên gia được đào tạo chính quy về xây dựng chính sách và pháp luật tôn giáo, hầu hết các tôn giáo và tổ chức tôn giáo được công nhận chưa có quyền pháp nhân trên phương diện luật pháp. Ngoài ra, đất đai và tài sản tôn giáo cũng là một vấn đề nan giải.

Giáo sư Hưng khẳng định đây là thách thức lớn và cần nhiều thời gian để giải quyết: “Đất đai và tài sản tôn giáo ở Việt Nam có một đặc điểm rất khó giải quyết. Đó là vì Việt Nam đã trải qua chế độ thuộc địa khá lâu nên vào thời kỳ hậu thuộc địa thì vấn đề đất đai bị pha lẫn yếu tố của chế độ cũ với thời hiện nay. Việt Nam đang trong quá trình tính toán, bổ sung các điều luật sao cho phù hợp nên tôi nghĩ xung đột đất đai và tài sản tôn giáo sẽ còn gay gắt nhưng chắc chắn sẽ được cải thiện khi những điều luật sắp tới đây sẽ được ban bố, nhất là trong vấn đề quyền sử dụng đất”.

Đánh giá về cuộc tọa đàm, Tiến sỹ Chris Seiple cho rằng đây là dấu mốc mới trong quá trình hợp tác Việt-Mỹ về đảm bảo tự do tôn giáo: “Việc các tổ chức phi chính phủ Mỹ được Đại sứ quán Việt Nam mời tham dự tọa đàm về tự do tôn giáo là điều chưa từng có từ trước tới nay. Đây là một tín hiệu tích cực nữa của Việt Nam trong vấn đề này. Đại diện các tổ chức Mỹ đã được nghe quan điểm của Việt Nam về tự do tôn giáo, về mô hình can dự của IGE dựa trên cơ sở chân thành và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau mang lại lợi ích tối đa cho Việt Nam trong vấn đề tự do tôn giáo cũng như cho toàn bộ người dân Việt Nam. Tôi tin rằng những người Mỹ có mặt hôm nay đều rất hứng thú vì đây là lần đầu tiên họ được trực tiếp nghe ý kiến của phía Việt Nam cũng như những người Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Có thể nói đây là một ngày trọng đại, thậm chí là một ngày lịch sử”.

Tại buổi tọa đàm, đại diện trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tổ chức IGE và Đại học Brigham Young (Mỹ) đã ký bản ghi nhớ về hợp nghiên cứu so sánh pháp quyền và tự do tôn giáo Việt-Mỹ./.