Ngày 22/11, trong chuyến thăm và làm việc tại Nga, đoàn đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện dẫn đầu, đã có buổi làm việc tại Học viện Kinh tế quốc dân và Công vụ trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA) và tham dự buổi Tọa đàm về Phát triển quốc gia trong điều kiện thế giới thay đổi và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt - Nga.
Ông Nguyễn Xuân Thắng (thứ 3 từ trái sang) và giáo sư Vladimir May tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư Vladimir May, Giám đốc Học viện Kinh tế quốc dân và Công vụ trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA) đã chào mừng đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tới thăm và tham dự tọa đàm. Giáo sư May nhấn mạnh RANEPA và Học việc Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo từ lâu. Hiện nay, đã có một số học viên Việt Nam đang theo học tại RANEPA, tuy nhiên số lượng còn chưa nhiều. Ông May bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, số lượng học viên Việt Nam theo học tại đây sẽ gia tăng, đồng thời nhà trường sẵn sàng giúp đỡ đào tạo, nâng cao trình độ của các cán bộ, công chức Việt Nam.
Về phần mình, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của ban lãnh đạo RANEPA. Đồng chí khẳng định Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với RANEPA trong tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những kiến thức, phương pháp kỹ năng giúp thích ứng được với những thay đổi mới, đặc biệt là trước những tác động của kinh tế khu vực, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Tăng cường trao đổi cán bộ giảng dạy, cử học viên, giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu ngắn hạn.
Hai bên cũng thảo luận về các biện pháp cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và giảng dạy giữa hai học viện. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề học thuật, vai trò, vị trí của nước Nga trong thế kỷ 21; sự phát triển kinh tế xã hội của nước Nga thích ứng với những thay đổi trong thời đại công nghiệp 4.0, trong đó nhấn mạnh công tác quản lý của nhà nước, quan hệ giữa bộ máy quản lý nhà nước và công dân; chính sách đối ngoại của Nga hiện nay; những điều chỉnh trong chính sách của Nga đối với thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam và quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga trong bối cảnh mới cũng như các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Chiều cùng ngày, đoàn cũng đã tới thăm và làm việc tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Hai bên tập trung trao đổi những đánh giá về tình hình và cục diện quan hệ quốc tế hiện nay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và những tác động tới kinh tế - thương mại thế giới./.