Nhân Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng, sáng 9/12 với chủ đề “phá vỡ chuỗi tham nhũng”, sáng 9/12, Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm “Phòng, chống tham nhũng vì bình đẳng xã hội ở Việt Nam”.

Ông Jairo Acuma – Alfaro, cố vấn chính sách UNDP New York – người từng có thời gian công tác tại Việt Nam nhấn mạnh, tham nhũng là nguy cơ có tác động tiêu cực tới nền quản trị tốt, chất lượng dịch vụ công và cơ hội bình đẳng cho mọi người dân.

tham_nhung_vipx.jpg
Các chuyên gia trao đổi tại cuộc Toạ đàm

Mỗi quốc gia có đặc thù khác nhau nên cần có biện pháp tiếp cận riêng để phá vỡ được chuỗi tham nhũng. Điều đó sẽ không thực hiện được nếu chỉ tác động vào một cá nhân đơn lẻ.

“Tất cả mọi người đều đồng ý rằng, phải phá vỡ chuỗi tham nhũng. Câu hỏi không phải là tại sao, cần làm gì mà là làm như thế nào”, ông Jairo Acuma – Alfaro nhấn mạnh.

Ông Jairo Acuma – Alfaro cho rằng, “nguyên tắc vàng” trong phòng chống tham nhũng là không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cho nên, một trong những điều kiện quan trọng là phải tăng tính độc lập, tự chủ của cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó, phải xây dựng thể chế hiệu quả, trách nhiệm và minh bạch ở tất cả các cấp để thúc đẩy thực thi hiệu quả pháp luật về phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh các biện pháp mạnh nhằm bảo vệ nhân chứng/người tố cáo và thực hiện các cơ chế giám sát độc lập, từ bên ngoài (như báo chí, người dân..).

“Chúng ta phải hiểu thiết chế không phải của một cơ quan mà còn là cách thức làm việc tương tác giữa các cơ quan để có thể tìm ra kẽ hở làm động cơ cho tham nhũng”, ông Jairo Acuma – Alfaro nói.

TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện quản lý Châu Á – Thái Bình Dương, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những người tham gia thực hiện dự án nghiên cứu “Quản trị địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công” khẳng định, không có bất đồng nào về quyết tâm chống tham nhũng. Tuy nhiên, có những phát ngôn đáng suy nghĩ mà không tìm thấy trong một văn bản chính thức nào như “Cán bộ tôi không bao giờ đòi hối lộ, chỉ tại dân đưa”, “Điều chỉnh một tý (tăng 339 triệu USD) đã rùm beng cả lên”, “Báo cáo cũng cho biết, qua công tác kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”...

Qua khảo sát quản trị địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công cho thấy, ở đâu cán bộ còn cơ hội làm và lý giải theo ý mình (thiếu minh bạch), không chỉ rõ trách nhiệm và chỉ dựa vào quy trình nội bộ (thiếu sự tham gia) thì tham nhũng còn cao.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Thắng, thực tế người dân vẫn phải “bôi trơn” để giúp chạy công việc. Điều này làm giảm động lực cải cách, phá vỡ văn hoá liêm chính và sáng tạo.

Tham nhũng làm tổn hại tới chất lượng dịch vụ công. Tham nhũng dù là nhỏ như “bôi trơn” giống như tham bánh xe phá huỷ cả cỗ xe.

Còn theo ông Edmund J. Malesky- GS Đại học Duke Hoa Kỳ, “nhiều ánh sáng mặt trời thì ít vi khuẩn gây hại. Do đó nếu công khai, minh bạch với người dân thì ít có cơ hội tham nhũng”. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách tăng cường sự minh bạch, công khai để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin./.