Ngày 17/12, Thượng viện Pháp đã thông qua với sự nhất trí tuyệt đối Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA). Tất cả các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều nhất trí rằng việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với nước Pháp và EU và cần phải sớm thông qua để đi đến triển khai Hiệp định này.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Bộ trưởng đặc trách phát triển và pháp ngữ của Pháp Annick Girardin và Thượng nghị sỹ Hélène Conway-Mouret – Báo cáo viên phụ trách hồ sơ về Hiệp định PCA Việt Nam - EU của Ủy ban đối ngoại, quốc phòng và các lực lượng vũ trang của Pháp đã nhấn mạnh những lợi ích của nước Pháp nói riêng và EU nói chung trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam; tầm quan trọng và hiệu quả của hợp tác với Việt Nam cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, đặc biệt sau khi Pháp và Việt Nam đã ký quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013.
Toàn cảnh phiên họp |
Thông qua PCA - Minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt Việt - Pháp
Tiếp đó, 6 thượng nghị sỹ đại diện các nhóm thượng nghị sỹ của các đảng đã có những phát biểu nêu nhận xét và quan điểm của nhóm mình đối với Hiệp định PCA EU – Việt Nam. Tất cả các ý kiến đều nhấn mạnh ủng hộ Thượng viện thông qua hiệp định này.
Thượng nghị sỹ Nathalie Goulet nói: "Chúng tôi mong muốn Thượng viện Pháp thông qua nhất trí để chứng minh tình hữu nghị và thiện chí của chúng ta với Việt Nam trong việc làm sống mãi tính đặc biệt của mối quan hệ Việt Pháp trong tổng thể quan hệ với EU. Nhóm nghị sỹ của chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua hiệp định này".
Phải thúc đẩy quan hệ toàn diện và mạnh mẽ hơn tại Việt Nam
Thượng nghị sỹ Michel Billout, đại diện nhóm nghị sỹ Cộng sản Cộng hòa và công dân khẳng định: EU không thể tự hài lòng là một đối tác kinh tế thương mại lớn với Việt Nam mà phải phát triển một cách tổng thể trên mọi lĩnh vực. Ảnh hưởng của hợp tác của EU và Pháp với Việt Nam cũng kém hơn so với giữa Việt Nam với nhiều nước khác như Australia, New Zealand hay Mỹ…
Theo ông, hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU bao trùm nhiều lĩnh vực và chú ý đến các lợi ích của cả hai bên. Nước Pháp cũng phải sớm thông qua hiệp định khung này vì năm 2013, Pháp cũng đã ký đối tác chiến lược với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Ông nhấn mạnh: "Thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam rất quan trọng. Nhìn vào hiệu quả tầm vóc và chất lượng hợp tác với Việt Nam, chúng ta càng hiểu rõ tầm quan trọng đó. Nhìn vào chiều dài quan hệ giữa Pháp với Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị Thượng viện Pháp thông qua không chậm trễ Hiệp định PCA".
Trả lời phóng viên VOV, ông Michel Billout cho biết: "Đúng là nước Pháp khá chậm trễ trong việc thông qua nhưng sự thông qua tuyệt đối tại Thượng viện đã cân bằng sự chậm trễ đó. Hiệp định này bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác với những nguyên tắc mang tính vĩ mô, một hiệp định khung và cần có các hiệp định cụ thể trong các lĩnh vực. Hiệp định này mở cửa có các hợp tác mạnh mẽ, và rất cần thiết phải sớm thông qua, EU mong muốn ký và Việt Nam cũng vậy. Riêng nước Pháp, quá khứ quan hệ dài và giàu có dù có đôi chút đau thương, nhưng rất cần hiệp định này để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước".
Thượng nghị sỹ Michel Billout trả lời phỏng vấn của VOV |
Hiệp định PCA Việt Nam – EU được ký kết năm 2012. Trong tổng số 27 quốc gia thành viên, Pháp là một trong 4 quốc gia còn lại chưa phê chuẩn Hiệp định này. Tiếp theo việc Thượng viện Pháp thông qua, hiệp định sẽ phải được xem xét thông qua tại Hạ viện Pháp. Các thượng nghị sỹ có mặt tại phiên họp ngày 17/12 đều khẳng định hiệp định sẽ sớm được thông qua với sự nhất trí tuyệt đối tại Hạ viện Pháp giống như tại Thượng viện Pháp do tầm quan trọng của hiệp định này.
PCA - Mở ra cơ hội hợp tác to lớn
Theo cựu Thượng nghị sỹ Helen Luc, Chủ tịch danh dự nhóm thượng nghị sỹ hữu nghị Pháp – Việt, việc Thượng viện Pháp nhất trí thông qua Hiệp định PCA là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước nói riêng, quan hệ Việt Nam – EU nói chung:
"40 năm sau Hiệp định Paris, 70 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, với Việt Nam, sự kiện này quan trọng bởi nó là minh chứng thúc đẩy mối quan hệ độc nhất vô nhị giữa Việt Nam và Pháp từ quá khứ và nay là trong hòa bình. Hiệp định này được Thượng viện Pháp thông qua sau khi hai nước ký đối tác chiến lược vào năm 2013. Giờ đây, Hiệp định này sẽ được đưa ra tại Hạ viện và tôi tin rằng sẽ nhất trí tuyệt đối thông qua như ở Thượng viện.
Tôi mong hiệp định này không chỉ dừng lại ở văn bản, ở các tuyên bố thiện chí mà đi vào những triển khai cụ thể bởi điều đó rất quan trọng. Tôi hy vọng rằng Việt Nam cũng cùng thúc đẩy để đi đến triển khai. Tôi tin tưởng rằng hiệp định sẽ mở ra những cơ hội hợp tác to lớn và đa dạng cho cả hai bên", cựu Thượng nghị sỹ Helen Luc nói.
Còn theo Thượng nghị sỹ Leila Aichi, đại diện nhóm Thượng nghị sỹ đảng Xanh thì Hiệp định hợp tác và đối tác Việt Nam – EU đặc biệt quan trọng bởi chú trọng đến hợp tác phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU nói chung, với Pháp nói riêng.
"Chúng tôi ủng hộ việc thông qua hiệp định này cũng vì nó ủng hộ hợp tác trong lĩnh vực hợp tác bền vững, bởi theo chúng tôi đó là điều căn bản mang tính chiến lược mà cần thực hiện. Tiếp theo hội nghị COP 21 vừa diễn ra tại Pháp, chúng ta hiểu rằng cần nhấn mạnh nhiều vào hợp tác phát triển bền vững".
Theo các thượng nghị sỹ Pháp, sự kiện Thượng viện Pháp thông qua Hiệp định PCA Việt Nam - EU với sự nhất trí tuyệt đối được đánh giá là trường hợp khá hiếm đối với việc thông qua một hiệp định hợp tác giữa Pháp với nước ngoài.
Sự kiện này, cùng với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam EU vừa được ký kết chính thức, đánh dấu bước tiến mới trong việc củng cố và hoàn thiện các cơ chế, hiệp định hợp tác để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện.
Tiếp sau đây, cần phải chờ Hạ viện Pháp và sau đó đủ cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn để hiệp định PCA đi vào triển khai cũng như cần đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định FTA vừa được ký kết, để có thể cụ thể hóa trong các lĩnh vực và chờ đợi bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam và EU./.