Sáng 15/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự hội nghị Tổng kết công tác y tế năm 2015, kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo và các tham luận tại hội nghị cho thấy: Công tác khám chữa bệnh năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015 đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các chỉ tiêu tổng hợp năm sau tăng cao hơn năm trước như: số lần khám, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị... Số giường bệnh trên vạn dân cũng tăng lên 24 giường vào năm ngoái.

y_te_2_aawr.jpg
Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngành Y tế

Đặc biệt quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tuỳ theo loại hình khám; thời gian khám bệnh cũng giảm trung bình hơn 48 phút/1 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện đang tăng lên, góp phần cơ bản giải quyết tình trạng quá tải và nằm ghép tại trên 80% số bệnh viện trung ương và tuyến cuối. Công tác y tế dự phòng được ngành y tế chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn kịp thời nhiều dịch bệnh bùng phát, đồng thời kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam…

Hội nghị cũng lắng nghe các ý kiến đóng góp nhiều biện pháp thiết thực nhằm thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu của ngành y tế trong giai đoạn 5 năm tới.

Đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành y tế trong năm 2015 và những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành y tế nỗ lực phấn đấu rút ngắn khoảng cách, đưa nền y tế nước nhà sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ tốt hơn, chăm sóc tốt hơn sức khoẻ của nhân dân, Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế cần thực hiện trong thời gian tới, trước hết phải làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng, tuyệt đối không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt lưu ý, tập trung chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Giờ phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đất nước mình nghèo mà mình làm được điều này thì không tốn kém của đất nước, không tốn kém của người dân mà điều này chúng ta đã làm, đã có kết quả thì chúng ta phải làm tốt hơn. Tôi nhắc lại không được chủ quan lơ là. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu có nhiều việc phải làm nhưng không được để dịch bệnh lớn xảy ra, đây vừa sinh mạng người dân, sức khoẻ người dân, vừa tốn kém của xã hội. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo từ bộ tới địa phương phải tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục để đạt yêu cầu đề ra…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích sự cần thiết tiếp tục xây dựng những thiết chế, nhân rộng các mô hình như trạm y tế xã, bác sỹ gia đình... bằng cả nguồn lực của nhà nước và xã hội thông qua các cơ chế chính sách hợp lý để đáp ứng nhu cầu người dân cũng như nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới được Thủ tướng chỉ rõ, đó là: Nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh, gắn với giảm tải ở các bệnh viện. Không chỉ tập trung đào tạo đội ngũ thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên có năng lực, trình độ chuyên môn cao và y đức tốt mà còn phải phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh gắn kết với các bệnh viện hạt nhân tuyến cuối, tuyến trung ương, tăng cường kết nối bệnh viện huyện với bệnh viện tỉnh nhằm chuyển giao kỹ thuật cao, trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh; đồng thời thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các bệnh viện chất lượng cao...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị tổng kết công tác thực hiện chiến lược dân số, kế hoạch hoá gia đình; đồng thời nỗ lực thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch phát triển bảo hiểm y tế đến năm 2020 với độ bao phủ đạt trên 80% gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, nhất là tập trung ứng dụng mạnh công nghệ thông tin kết nối các cơ sở khám chữa bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý vấn đề quản lý chất thải y tế vì đến nay chỉ có 54% bệnh viện có hệ thống kiểm soát. Đây là vấn đề cần có sự vào cuộc của cả trung ương và địa phương, đặc biệt phải tạo cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư đảm bảo quản lý an toàn chất thải y tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm gắn với khen thưởng, biểu dương kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến…/.