Đây là tâm tư của người đứng đầu Chính phủ tại phiên họp cuối năm khi nói về tình hình ngư dân đánh bắt thủy sản vào vùng biển các nước.

Thủ tướng cho biết, nhiều nước trong ASEAN đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt về vấn đề lãnh hải, ranh giới vùng biển giữa các nước. Từ đầu năm đến nay vẫn có tình trạng ngư dân của ta bị bắt khi xâm phạm vùng biển của nước bạn.

thu_tuong_nguyen_tan_dung_jpnr.jpg

“Lần nào gặp lãnh đạo các nước ASEAN tôi cũng nói về vấn đề này, nói mãi cũng ngại. Nhưng họ cũng phải theo pháp luật. Cũng giống chúng ta, phải bảo vệ vùng biển của mình” – người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Theo Thủ tướng, Bộ Ngoại giao đã quan tâm bảo vệ công dân, nhưng cũng phải tuyên truyền cho ngư dân của ta đừng xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Lãnh đạo các quốc gia trong ASEAN rất thiện chí, nhưng ta cũng phải hành xử đúng pháp luật và các công ước chung.

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, cùng các tỉnh ven biển phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho ngư dân để vừa bảo vệ chủ quyền của ta, vừa không xâm phạm chủ quyền các nước bạn.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị cần nâng cao hiểu biết cho người dân và doanh nghiệp về việc gia nhập Cộng đồng chung ASEAN.

Đây là cộng đồng kinh tế được đánh giá là sẽ đem về nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của VCCI, chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và có thể tận dụng được những lợi thế này.

Chính vì vậy, đang có thực tế là người lao động của chúng ta chưa đủ hiểu biết để có thể làm lao động quốc tế. Nhiều người lao động vẫn tranh thủ các chương trình xuất khẩu lao động để sang nước bạn làm chui và bị xác định là những lao động di cư bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao rất nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn của công dân Việt Nam, nhưng tình trạng vượt rào như đã nêu khiến ngành ngoại giao rất khó đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân Việt Nam./.