Sáng 19/6, tại Thành phố Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và Phát động khởi nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 |
Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, khoảng 650 đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu trước các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu cho biết, tỉnh mong muốn thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực là nông nghiệp công nghệ cao gắn công nghiệp chế biến, công nghiệp tái tạo và cảng biển.
Ông Phan Văn Sáu khẳng định, lãnh đạo tỉnh cam kết cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp có thể gặp trực tiếp Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh để phản ánh các khó khăn vướng mắc.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, dù giàu tiềm năng phát triển như hạ tầng giao thông thuận lợi, tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kinh tế biển với 72km bờ biển, phát triển năng lượng tái tạo…, nhưng Sóc Trăng chưa khai thác tốt các lợi thế này.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh đã cấp phép, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên địa bàn lên đến 6 tỷ USD, trong đó, các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 1 tỷ USD. Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư đã hỗ trợ cho công tác an sinh của Sóc Trăng trên 100 tỷ đồng.
Dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng vẫn là tỉnh khó khăn. Về tầm nhìn phát triển cho Sóc Trăng, Thủ tướng gợi ý, đây là vùng đất hạ lưu sông Mekong và trong thập kỷ đến sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, là niềm cảm hứng về ý chí vượt khó, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu của cộng đồng người dân Sóc Trăng nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
"Thập kỷ tới không thể đặt vấn đề Sóc Trăng là một tỉnh nghèo, mà là một tỉnh trung lưu về mức sống. Chỉ có nguồn cảm hứng mạnh mẽ như thế thì chúng ta mới hành động quyết liệt để đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Từ những lợi thế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, nền kinh tế Sóc Trăng trong tương lai là tập trung phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: Một là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao. Thứ ba là du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh.
"Cùng với đó, phát triển năng lượng tái tạo là một tiềm năng lớn lợi thế so sánh. Tôi thấy vừa rồi chúng ta cấp giấy chứng nhận đầu tư, hợp tác đầu tư sắp tới đi vào hướng này là rất đúng", Thủ tướng bày tỏ.
Cùng với việc phân tích các lợi thế về phát triển du lịch và nhiều lợi thế khác, Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng phải biến các lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh. Sóc Trăng cần vượt lên chính mình, xây dựng một niềm tin, niềm cảm hứng mới cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong ba yếu tố quan trọng để phát triển là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố “nhân hòa” và cho rằng, Sóc Trăng cần thu hút người tài, người địa phương thành công ở cả trong và ngoài nước về giúp sức.
Để thu hút các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng, nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cần phát huy tính năng động của chính quyền các cấp và đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo. Theo đó, Sóc Trăng phải thu hẹp những khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh với các địa phương, cùng chung tay làm cho vùng đất “9 con rồng” trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dù xếp hạng các tiêu chí tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức của Sóc Trăng đều đứng thứ 4/63 tỉnh thành, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn nhiều tiêu chí đứng thứ hạng thấp, như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đứng thứ 59; tiêu chí đào tạo lao động đứng thứ 57.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề mà tỉnh cần lưu ý là nhóm thủ tục đầu vào được đánh giá cao nhưng vấn đề sau đăng ký còn hạn chế. Doanh nghiệp vào là cần nhưng cần hơn là có môi trường tốt để doanh nghiệp sống khỏe và hoạt động thuận lợi.
"Tôi hay nói với lãnh đạo các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long rằng, một kết luận điều hành có tương quan tỷ lệ nghịch với con số di cư thuần. Ở đâu môi trường tốt, doanh nghiệp phát triển nhiều, thì di cư ở địa bàn này sang địa bàn khác ít và ngược lại. Chính vì vậy môi trường kinh doanh luôn luôn là câu hỏi lớn cho tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành của Sóc Trăng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo, cả tỉnh Sóc Trăng hiện mới có 2.800 doanh nghiệp, tỷ lệ là 530 người dân/1 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 150 người dân có một doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng, cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, cần quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, nhất là khi hiện nay Sóc Trăng mới có khoảng chục doanh nghiệp hàng đầu trong một số lĩnh vực.
Thủ tướng tham quan một số mô hình và gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại Sóc Trăng |
Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định lại là Chính phủ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành với nhà đầu tư, nhưng lưu ý nhà đầu tư sản xuất kinh doanh không làm ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, cần gắn lợi ích của nhà đầu tư với phúc lợi của người dân địa phương, tránh việc cấp phát các ưu đãi vô điều kiện với nhà đầu tư trong khi người dân đứng ngoài lề của sự phát triển./.
Thủ tướng: “Thuê đất 99 năm chỉ cho những trường hợp cực kỳ đặc biệt“