Tối nay, 22/4, tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (4/1992 – 4/2017). Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ngành, địa phương; các cấp lãnh đạo, các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau 25 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, với sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, đến nay, Sóc Trăng đã có có bộ mặt mới, nhiều thành tựu kinh tế xã hội.

tt1_yoaj.jpg
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Sóc Trăng phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá toàn diện, mỗi năm trên 10%; tổng sản phẩm tăng hơn 11 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 60% năm tái lập tỉnh, đến năm 2016 chỉ còn 15,4%. Sóc Trăng hiện đã có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, là tỉnh có truyền thống cách mạng hào hùng, sau 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, khai thác tiềm năng lợi thế để đạt nhiều thành tựu khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực.

Sản xuất nông nghiệp với 2 sản phẩm chủ lực là cây lúa và con tôm đã có bước tiến vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, bộ mặt đô thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện…

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, kinh tế Sóc Trăng cũng như một số tỉnh vùng ĐBSCL có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; hạ tầng kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đời sống của một bộ phận người dân chưa bảo đảm.  

Nhắc lại mục tiêu của Sóc Trăng đề ra là đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, với vị trí địa lý, kinh tế, điều kiện tự nhiên xã hội thuận lợi, đặc biệt là một trong những cửa ngõ thông ra biển của vùng ĐBSCL, tỉnh cần năng động, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển.

“Tỉnh Sóc Trăng cần rà soát các quy hoạch phát triển, trong đó tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng có trọng tâm trọng điểm, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh. Thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là trong vùng ĐBSCL để phối hợp, xây dựng các đề án liên kết phát triển. Trước mắt cần khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng bán đảo Cà Mau với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”, Thủ tướng yêu cầu.

Để phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là các dự án có tính liên vùng; đầu tư vào các dự án cấp bách như hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình ngăn ngừa, giảm những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đối với phát triển kinh tế, Sóc Trăng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có có giá trị gia tăng cao; chủ động hội nhập quốc tế, tìm kiếm thị trường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, thủy sản…

Cùng với đó là triển khai thực hiện quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 5.000 doanh nghiệp.  

Tỉnh cũng cần tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Đi liền với đó là quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, Sóc Trăng cần nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển mạnh du lịch sinh thái - sông nước và du lịch văn hóa; kết nối các điểm tham quan, du lịch biển, ưu đãi đầu tư du lịch với chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, Sóc Trăng thu hút từ 2-3 triệu lượt khách du lịch.

Thủ tướng trao Danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch nước trao tặng cho bà Lâm Thị Nguyệt.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng cũng yêu cầu Sóc Trăng chủ động ứng phó thiên tai, hạn hán, đặc biệt là mặn xâm nhập, có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; chú trọng bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường biển, cụm công nghiệp; quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, đất, quản lý tốt việc khai thác cát, sỏi lòng sông; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương với tinh thần liêm chính kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp.  

Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch nước trao tặng cho bà Lâm Thị Nguyệt về những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.