Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1/2017.

ttxvn_1001thu_tuong_nhat_yyve.jpg
Thiếu nhi thủ đô Hà Nội tặng hoa chào đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân đến thăm chính thức Việt Nam vào năm 2013. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Các hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tháng 5/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã 4 lần tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc) bên lề các hội nghị quốc tế trong năm 2016).

Hai bên cũng đang phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản dự kiến vào tháng 3/2017.

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, giao lưu địa phương có nhiều đột phá. Nhật Bản tiếp tục là đối tác hàng đầu của Việt Nam về ODA, đầu tư và thương mại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Ông đã thăm Việt Nam hai lần. Trong chuyến thăm thứ nhất năm 2006, ông Abe đã xác lập khuôn khổ quan hệ “hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam, tiền đề cho việc ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thành Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014.

Ông Shinzo Abe đã lựa chọn Việt Nam để thăm đầu tiên sau khi được bầu làm Thủ tướng Nhật bản nhiệm kỳ 2 vào tháng 1/2013 và là Lãnh đạo đầu tiên trong các nước G7 mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước; khẳng định Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài; mong muốn tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, quốc phòng, an ninh, giao lưu địa phương./.