Sáng 26/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết Ngân hàng Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước 5 năm qua, đặc biệt là năm 2020. Nếu mục tiêu năm 2021 tăng trưởng 6,5% và kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ để góp phần thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng cho biết, mặc dù năm 2020 nền kinh tế nước ta chịu nhiều khó khăn do Covid-19 và thiên tai, bão lũ, nhưng với những kết quả tích cực đạt được như tăng trưởng kinh tế dưới 3%, phòng chống dịch là điểm sáng của thế giới, một hãng định giá thương hiệu quốc gia của Anh đánh giá, thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 30%, lên 319 tỷ USD, xếp thứ 33 thế giới. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và cho rằng, đây là thời điểm tốt để các nước như Việt Nam tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong các thành công đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể là ngành ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là huyết mạch nền kinh tế, đã chủ động đề ra các giải pháp ứng phó, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, hỗ trợ các vùng khó khăn do bão lũ, thiên tai, ảnh hưởng của Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh đã đẩy mạnh các biện pháp không dùng tiền mặt, hỗ trợ lao động nghỉ việc, kịp thời có biện pháp hỗ trợ hàng chục nghìn khách hàng bị ảnh hưởng. Cùng với đó là điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, đảm bảo sự ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối kỷ lục. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai thực hiện, và nợ xấu ở mức khoảng 2% nội bảng. Ngành ngân hàng cũng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, phát triển các tiện ích trên nền tảng công nghệ số, giảm chi phí cho người dân và phù hợp trong bối cảnh Covid-19 và 5 năm qua, ngành ngân hàng đi đầu trong cải cách hành chính.
Cũng tại hội nghị tổng kết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là năm 2020 nhiều khó khăn. Thủ tướng cũng đánh giá cao nhiều địa phương và ngân hàng đã dành một phần vốn tín dụng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và đề nghị tiếp tục đóng góp nguồn lực cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Nêu bối cảnh thời gian tới thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, cả dịch bệnh và thị trường tài chính, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng phải có chiến lược và kế hoạch cụ thể ứng phó với bối cảnh bình thường mới. Tinh thần là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 6,5%, lạm phát dưới 4%.
Thủ tướng nêu rõ: "Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải tính toán xem tăng trưởng là bao nhiêu để đóng góp tăng trưởng kinh tế xã hội. Vì thực tế tại Việt Nam, kênh tín dụng vẫn là kênh quan trọng đối với sự phát triển. Các nước có nhiều kênh khác, nhưng ở Việt Nam, 30% vốn tự có đã là mừng, còn lại vay tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các NHTM phải đóng góp để đưa đất nước tiến lên, không bàn lùi mà phải bàn tiến. Nữ thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên, làm sao chính sách tiền tệ mở ra một hướng đi mới an toàn, hiệu quả và đóng góp cho tăng trưởng, phát triển bền vững".
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về điều hành chính sách tiền tệ năm 2021 để Thủ tướng sớm xem xét ban hành, làm cơ sở cho hệ thống ngân hàng thực hiện.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế số, hội nhập sâu rộng, tạo mọi điều kiện phục vụ phát triển, trong đó lưu ý đến việc kiểm soát các HTX tín dụng.
"Thể chế cho các HTX tín dụng nhân dân, mô hình hiện nay còn theo kiểu gia đình, dễ tham nhũng, đổ bể. Vậy thể chế nào tái cơ cấu các HTX tín dụng, chứ không phải ép các NHTM nhận các HTX tín dụng. Chúng ta đang nói phát triển HTX, nhưng riêng HTX tín dụng phải được quản lý chặt chẽ theo thể chế tín dụng, vì đây là kinh doanh tiền tệ. Đây là điều Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng phải chú ý. Không để xảy ra các tình trạng quá xấu, chủ HTX tín dụng bỏ trốn, để lại hậu quả chúng ta phải gánh chịu", Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng không được để thiếu vốn phục vụ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt không chỉ cho vay vốn mà phải hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp về phương án sản xuất kinh doanh, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho ngân hàng và kiểm soát được rủi ro.
Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao, trong đó có những khoản vay vẫn chịu lãi suất lên đến 9%/năm là cao, trong khi nhiều nước chỉ bình quân 5%, nên trong khi năm 2021 còn khó khăn, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, tạm thời chưa đặt mục tiêu lợi nhuận lên ưu tiên hàng đầu.
Cùng với yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiến tới các chuẩn mức quốc tế, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, vừa hạn chế nợ xấu gia tăng, vừa xử lý nợ xấu tồn đọng, vừa tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đồng thời thực hiện mục tiêu là có những ngân hàng Việt Nam lớn mạnh thuộc nhóm đầu khu vực.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị, tính đến ngày 18/12, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,83% so với cuối năm ngoái. Tính đến tháng 11 năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm ngoái; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã ban hành Thông tư 01 và Chỉ thị 02, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi, thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch, doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.
Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng./.