Chiều nay (2/3), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng các Phó Thủ tướng làm việc với 27 chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước, lắng nghe các chuyên gia hiến kế vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Đây là văn kiện quan trọng của Tiểu ban Kinh tế Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các chuyên gia kinh tế có các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nêu cả những khiếm khuyết, tồn tại phải tháo gỡ và tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, giải quyết những vấn đề then chốt để thúc đẩy phát triển, thực hiện khát vọng tiến lên của dân tộc.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế sâu rộng, tại buổi làm việc, các chuyên gia kinh tế phân tích rất rõ về biến động của thế giới thời gian tới, trong đó có cả những biến số nhận diện được và những biến số khó nhận diện. Trong đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, những công nghệ phát triển rất nhanh chỉ sau 10 năm qua làm thay đổi cả thế giới; sự nổi lên của các quốc gia; chiến tranh thương mại...
Các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề trong nước, dù nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế, nhưng cũng còn không ít các nút thắt như nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, vấn đề quản trị công chưa thực sự hiệu quả, nợ xấu, nợ công...
Toàn cảnh buổi làm việc |
Góp ý vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới và định hướng phát triển xa hơn, các chuyên gia cho rằng, chiến lược cần đưa ra một mục tiêu dựa trên cơ sở phân tích những khả năng thực hiện được. Qua đó, các chính sách và giải pháp phát triển đều phải phục vụ mục tiêu phát triển này. Việc lựa chọn các mũi nhọn, các trụ cột để thực hiện các mục tiêu của chiến lược cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, thay vì dàn hàng ngang.
Cùng với đó là cần có định hướng ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa các ngành, còn chiến lược phát triển công nghiệp hóa phải gắn với ngành công nghiệp trọng tâm, trọng điểm, có khả năng là động lực cho sự phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn sau 10 năm thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi thì tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, có thể là khoảng 7,5% liên tục trong 10 năm. Dù khá cao, nhưng các chuyên gia cho rằng, mục tiêu này có khả năng đạt được nếu tập trung thực hiện hiệu quả một số trụ cột trọng tâm. Thứ nhất là nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, hình thành những cứ điểm nông-công nghiệp; thứ hai là khai thác lợi thế kinh tế ven biển; thứ ba là phát triển công nghiệp-du lịch; thứ tư là phát triển kinh tế đô thị.
Để thực hiện các trụ cột này thì cần cải cách đồng bộ thể chế, trong đó, việc quan trọng cần thay đổi là tránh sự trồng chéo trong quản lý Nhà nước. Việc nào chính quyền Trung ương làm thì chính quyền địa phương không làm.
Cho rằng, song song với thể chế, yếu tố con người là rất quan trọng để thực hiện được thể chế đổi mới, các chuyên gia đề nghị phải nâng cao chất lượng của cán bộ công chức, viên chức, thậm chí là cả đội ngũ lãnh đạo, đổi mới bộ máy quản lý. Theo đó, phải đảm bảo sự công khai minh bạch, có trách nhiệm giải trình và gắn với trách nhiệm cá nhân.
Thể chế phải lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm gắn với đổi mới sáng tạo, gắn với Chính phủ số. Nêu kinh nghiệm của các nước, các chuyên gia cho rằng, cần có thể chế, chiến lược để phát triển các đầu tàu kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với chiến lược quốc gia. Trong đó cần phát triển nền kinh tế theo hướng hiện đại, chính quyền đô thị. Cùng với đó là cần bỏ tư duy cơ cấu phát triển kinh tế theo địa phương mà mà phải là phát triển vùng kinh tế trọng điểm.
Nhấn mạnh vai trò của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số, các chuyên gia cho rằng, đây là công cụ, phương thức quan trọng để thực hiện các trụ cột, các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả, trong đó có chính phủ điện tử, kết nối dữ liệu lớn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước...
Các chuyên gia cũng đều nhất trí về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn đã thực hiện nhiều công trình lớn, hiện đại và tạo động lực phát triển của các tỉnh, vùng kinh tế và quốc gia. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần tiếp tục nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân để xây dựng thể chế, thúc đẩy khu vực này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Sau ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Thủ tướng kết luận buổi làm việc. Thủ tướng đánh giá cao các chuyên gia đã nêu các ý kiến tâm huyết, khoa học và đa dạng, không chỉ góp ý về quan điểm phát triển, tư duy phát triển mà cả phương pháp tiếp cận, đổi mới làm văn kiện, kinh nghiệm quản lý.
Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức một buổi làm việc nữa để tiếp tục lắng nghe các chuyên gia khác chưa phát biểu hôm nay, làm cơ sở để Tiểu ban Kinh tế Xã hội nghiên cứu, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới và định hướng xa hơn.
Nêu thực tế người dân nước ta đang có mức thu nhập trung bình thấp, nhiều vùng còn khó khăn, trong khi thách thức phát triển không phải là nhỏ như già hóa dân số..., Thủ tướng cho rằng, yêu cầu của nhân dân là phải có khát vọng phát triển đất nước mạnh mẽ hơn. Do đó, cần phải có chiến lược phát triển kinh tế xã hội đúng đắn, khoa học, có tính khả thi cao để tiến tới thời điểm 100 năm thành lập Đảng, thành lập nước có sự chuyển biến quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Nếu không, đất nước sẽ tụt hậu xa hơn./.
Phiên họp thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Tổng Bí thư chủ trì họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng