Phải coi là dịch bệnh nguy hiểm nhất của ngành chăn nuôi

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới nhà ông Trần Văn Mậu, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, một trong những hộ chăn nuôi lớn bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Số lợn gia đình ông bị tiêu hủy lớn nhất huyện với tổng trọng lượng lên tới gần 47 tấn.   

thu_tuong_3_ghud.jpg
Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đông Anh

Báo cáo Thủ tướng, ông Trần Văn Mậu cho biết, dù rất tiếc và thiệt hại lớn, nhưng khi đàn lợn nhiễm bệnh, gia đình ông đã thực hiện tiêu hủy theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và đã được nhận tiền hỗ trợ đầy đủ theo quy định đối với cả lợn thịt và lợn nái.

Thủ tướng đánh giá cao gia đình ông Trần Văn Mậu đã thực hiện đúng chủ trương phòng chống dịch, đồng thời lưu ý gia đình ông không tự ý tái đàn mà cần theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của chính quyền địa phương trong phòng chống dịch là tấm gương tốt, chính quyền địa phương cũng đã kịp thời hỗ trợ các gia đình có lợn bị dịch. 

Sau khi kiểm tra thực tế tại hộ chăn nuôi, tại UBND huyện Đông Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội và huyện Đông Anh, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện về công tác phòng chống dịch. 

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, tính đến 12/5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 9.500 hộ chăn nuôi, chiếm 11,7% số hộ và cơ sở chăn nuôi. Đến nay, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là gần 148.000 con, chiếm gần 8% tổng đàn. Các huyện có lợn bị dịch nặng là Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên. 

Từ dịp 30/4 trở lại đây, dịch lan nhanh và quy mô rộng và xảy ra với cả hộ chăn nuôi an toàn sinh học tốt. Chỉ trong 17 ngày của tháng 5, từ ngày 1 đến ngày 17, bình quân mỗi ngày phát sinh thêm 357 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh. Tổng số hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh đã phát sinh thêm gần 6.100 hộ. 

Tại huyện Đông Anh, đến thời điểm này có 22/24 xã bị dịch. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là trên 14.500 con, bằng khoảng 1/3 tổng số lợn chăn nuôi. Tổng số tiền hỗ trợ là gần 47 tỷ đồng. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước đã có khoảng 1,5 triệu con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy. Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu bất thường rất thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Do đó, theo Bộ trưởng, các địa phương phải coi dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm nhất của ngành chăn nuôi từ trước đến nay, từ đó có thái độ quyết liệt. 

“Với tính chất của bệnh này, nếu không làm tốt, thời gian tới sẽ có ba dự báo. Một là tiếp tục lây lan và thậm chí 100% địa bàn có dịch. Các nước cũng đã xảy ra tình trạng này. Thứ hai, hiện nay có khoảng 62 xã đã qua 30 ngày không còn dịch, nhưng nếu không làm triệt để sẽ quay trở lại có dịch. Thứ ba, vừa qua dịch tập trung chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu nay mai tình hình này không phòng trừ tốt sẽ lan vào các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Do đó dự báo trước là tình hình sẽ cực kỳ phức tạp và nguy cơ tồn tại nhiều năm”, ông Nguyễn Xuân Cường cảnh báo. 

Riêng với Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng đề nghị Thành phố và người dân nỗ lực bảo vệ đàn lợn bằng biện pháp an toàn sinh học, không tái đàn vào thời điểm này. Thay bằng chăn nuôi lợn thì trước mắt có thể chuyển sang chăn nuôi những con khác như bò, hoặc chuyển đổi ngành nghề khác.  

Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với TP Hà Nội và huyện Đông Anh về công tác phòng chống dịch

Phải phòng chống dịch như chống giặc

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh và người dân đã chủ động phòng chống, dập dịch quyết liệt; hỗ trợ kịp thời cho người dân trong công tác tiêu hủy và kinh phí. 

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là bệnh chưa có vaccin phòng bệnh và thuốc điều trị, đường lây bệnh đa dạng và khó kiểm soát, dẫn đến thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi. Đến nay có 34 tỉnh, thành phố có lợn nhiễm bệnh với tổng thiệt hại là 5% tổng đàn lợn cả nước.  

Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Hà Nội và người dân cả nước phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa, không chủ quan, nhất là nguy cơ dịch bệnh đang tiếp tục lây lan. Do đó, các cấp chính quyền và người dân phải quan tâm hơn nữa về thay đổi phương thức, cách làm để phòng chống, dập dịch kịp thời hơn, cả ở địa bàn Thành phố Hà Nội và huyện Đông Anh. 

Thủ tướng nêu rõ, dự báo đây là dịch bệnh có thể kéo dài, gây thiệt hại lớn đối với không chỉ Việt Nam mà nhiều nước. Từ thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền Hà Nội và các địa phương phải phòng chống dịch như chống giặc. Từ đó chúng ta huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng chống dịch đang diễn ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thành phố Hà Nội có giải pháp chung nhưng phải có biện pháp riêng phù hợp với từng quận, huyện, các hộ chăn nuôi lớn, nhỏ trong phòng chống dịch, nhất là dịch ở Hà Nội xuất hiện cả ở quận nội thành và huyện ngoại thành. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo phòng chống dịch, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.

“Với đặc điểm của dịch bệnh này, tôi đề nghị phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính. Các cơ sở, địa phương chưa bị dịch phải chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Có dịch rồi thì phải ngăn chặn kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ người dân một cách minh bạch, bảo vệ môi trường. Yêu cầu Thành phố Hà Nội hỗ trợ tài chính kịp thời hơn theo quy định. Ngành Thú ý giám sát và hỗ trợ các trại lợn sạch tiêu thụ lợn, giữ vững niềm tin của người tiêu dùng, không quay lưng với thịt lợn sạch được kiểm soát”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng nêu rõ, cả nước mới chỉ có khoảng 5% tổng đàn lợn nhiễm bệnh, còn tới 95% tổng đàn vẫn bình thường, do đó các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền chính xác để người dân yên tâm và không quay lưng với thịt lợn. 

Đối với Thành phố Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân phòng chống dịch với biện pháp đổi mới, quyết liệt hơn. Cùng với đó là phải có biện pháp giúp người dân chuyển đổi trong chăn nuôi, cân đối nhu cầu thực phẩm, nhất vào dịp cuối năm, như chuyển sang chăn nuôi bò, gà, vịt, cá... Cùng với đó là chuyển đổi sang các ngành nghề, sản xuất các sản phẩm khác. 

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay mặt Chính phủ  xây dựng dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về phát huy sức mạnh tổng hợp toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy định về phòng chống, dịch bệnh trong chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt hơn trong công tác phòng chống dịch,  

Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương và Hà Nội không được chủ quan, ỷ lại, phải chủ động và quyết liệt trong phòng chống dịch, với tinh thần phòng dịch là chính. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng phát động một phong trào trong cả nước, từ cơ sở đến người dân trong công tác phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và ngành nông nghiệp./.