Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, chiều 24/5 (theo giờ Việt Nam), tại Thủ đô Oslo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công thương Na Uy Torbjorn Roe Isaksen dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Na Uy phối hợp tổ chức.

thu_tuong_2__jkab.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với việc hai nước thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản, thì đây là điểm đồng hợp tác, là điểm thu hút các doanh nghiệp Na Uy đầu tư vào Việt Nam.

Sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 1971-2021, theo đánh giá của các đại biểu dự diễn đàn, hợp tác kinh tế và thương mại hai bên chưa tương xứng với tiềm năng. từ năm 2006, Việt Nam-Na uy đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam-Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại – đầu tư giữa hai nước.  

Tuy nhiên tính đến cuối năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ khoảng 360 triệu USD. Mới có 41 dự án của 40 doanh nghiệp Na Uy đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.  

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Isaksen đánh giá, Việt Nam là điểm sáng phát triển của khu vực và thế giới và đây là cơ hội, tiềm năng cho hợp tác doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Na Uy đều có thế mạnh là bờ biển dài, cùng chịu tác động của biến đổi khí hậu và điểm tương đồng này mở ra cơ hội hợp tác phát triển kinh tế biển.

Na Uy có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn so với nhiều nước, và đây là tiềm năng hợp tác cho các doanh nghiệp Na Uy.

Na Uy hoan nghênh những sáng kiến của Việt Nam về phát triển kinh tế, mở ra tiềm năng và cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Na uy. Diễn đàn hôm nay với đông đảo doanh nghiệp hai nước tham dự là minh chứng thúc đẩy thương mại và đầu tư hai nước, hợp tác chặt chẽ để cùng vượt qua những căng thẳng thương mại thế giới hiện nay.

“Na Uy đã có hơn 40 doanh nghiệp làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và chúng tôi trông đợi trong thời gian tới ngày càng nhiều hơn doanh nghiệp Na Uy đầu tư tại Việt Nam, vì cơ hội làm ăn tại Việt Nam đang rộng mở. Việt Nam cũng đã cho thấy thiện chí hợp tác và mở rộng kinh doanh cũng như hội nhập với phần còn lại của thế giới. Quá trình chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tri thức cũng là tọng tâm của Việt Nam. Trong đó chúng ta cũng cần nhấn mạnh trao đổi thương mại hai chiều còn rất khiêm tốn. Điều đó mở ra cơ hội nâng kim ngạch thương mại hai chiều không chỉ lĩnh vực hiện nay mà cả lĩnh vực mới như công nghệ số, năng lượng tái tạo, logistic. Các doanh nghiệp Na Uy có tiềm năng lớn đóng góp vào giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua cung cấp công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực công nghệ sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển cao và bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Isaksen nói. 

Bộ trưởng Công thương Na Uy cũng bày tỏ đánh giá cao Việt Nam đã lồng nghép các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác phát triển xanh, phát triển kinh tế biển bền vững giữa hai nước. Bên cạnh đó là tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với những đề xuất thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, và cần thúc đẩy hơn nữa, cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác tiếp sau chuyến thăm Việt Nam rất thành công của Thủ tướng Na Uy vào năm 2015.

Để giúp doanh nghiệp Na Uy hiểu hơn về cơ hội thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, sau 30 năm đổi  mới. GDP tăng trưởng cao liên tục, trong đó năm 2018 tăng 7,1%, là một trong 4 nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của thế giới, hiện đã tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là cửa ngõ để các doanh nghiệp Na Uy có thể vào 20 nước G20, thị trường 100 triệu dân Việt Nam và gần 700 triệu dân của ASEAN. Nhất là hiện nay, Việt Nam có dân số vàng, thu nhập bình quân theo sức mua tương đương khoảng 8.000 USD, là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp Na Uy đầu tư thành công ở Việt Nam thời gian qua và đây là kinh nghiệm quý, là cầu nối xúc tiến các doanh nghiệp khác đầu tư kinh doanh vào Việt Nam.

“Quan hệ hai nước Việt Nam và Na Uy có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung lẫn nhau để mở rộng hợp tác hiệu quả, cùng có lợi, nhất là các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, năng lượng tái tạo, thủy sản. Hai nước có bờ biển dài, có ngành công nghiệp thủy sản phát triển. Na Uy là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 thế giới và Việt Nam thuộc tốp 5 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Đây là điểm đồng hợp tác và là điểm thu hút các doanh nghiệp Na Uy trong hợp tác với Việt Nam phát triển những ngành nuôi trồng chế biến thủy sản xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế biển, hướng tới phát triển chiến lược của Việt Nam. Nhất là nuôi trồng thủy sản của Na Uy với sản lượng năng suất tốt trong khi Việt Nam chưa có nuôi trồng thủy sản nhiều trên 1 triệu km2 biển, vịnh, sông”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) do Na Uy dẫn đầu, đang đàm phán Hiệp định thương mại tư do với tiêu chuẩn cao, độ mở lớn, tạo khung khổ thuận lợi cho hợp tác thương mại đầu tư giữa hai bên thời gian tới.

Đây sẽ là điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp hai nước cần thúc đẩy phát huy. Việt Nam xác định trong vài thập niên tới vẫn duy trì đà tăng trưởng cao từ 6,5 đến 7%. Việt Nam đang thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Các đại biểu lắng nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

“Chúng tôi tập trung thu hút nguồn lực thu các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, kinh tế biển xanh, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao trong cuộc cách mạng 4.0 với nền kinh tế số. Rất mong được các nhà đầu tư Na Uy quan tâm hợp tác, nhất là một số dịch vụ biển chúng tôi còn nhiều hạn chế.

Một số vấn đề về du lịch cần sự cơ cấu, cải cách mạng mẽ hơn. Từ diễn đàn hôm nay tôi mong các bạn chính là chủ thể quyết định thành công của hợp tác song phương và sẽ là cơ hội kết nối mở ra các dự án, các thỏa thuận hợp tác thành công trong tương lai. Có thể nói một đất nước thanh bình, hội nhập sâu rộng với quốc tế đang chào đón các bạn Na Uy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Na Uy, coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của Việt Nam, qua đó thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Na Uy phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới./.