Trong 2 ngày 27-28/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật.

Các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ dành ưu tiên cao và tập trung nguồn lực khắc phục tình trạng xin lùi, chậm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trong xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

hop_chuyen_de_luat_7_keas.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phiên họp.

Theo báo cáo tại phiên họp: Trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã đạt được nhiều kết quả.

Cơ bản các dự án luật, pháp lệnh đều được trình Quốc hội đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng với số lượng lớn. Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp. Các văn bản quy định chi tiết được ban hành cơ bản đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi.

Tuy nhiên, số lượng dự án luật, pháp lệnh xin lùi thời hạn trình Chính phủ tương đối nhiều với 11 dự án. Vẫn còn dự án luật phải xin lùi thời hạn trình Quốc hội.

Số lượng văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng lên tới trên 100 văn bản và nhiều văn bản quy định chi tiết ban hành chậm tiến độ.

Tình trạng này đã ảnh hưởng đến công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Các thành viên Chính phủ cho rằng về nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng này là do số các dự án luật, pháp lệnh phải xây dựng là rất lớn, trong đó văn bản quy định chi tiết phải xây dựng, ban hành trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 178 văn bản, tăng 93 văn bản so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều dự án, dự thảo văn bản quy định những vấn đề mới, phức tạp, chưa có cơ sở thực tiễn, liên quan đến các quy định khác của pháp luật đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế cũng làm kéo dài thời gian xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật…

Các ý kiến tại phiên họp cũng phân tích nguyên nhân chủ quan là do lãnh đạo một số Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng pháp luật. Sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình xây dựng pháp luật cũng chưa thực sự chặt chẽ….

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ trưởng từ nay đến cuối năm dành ưu tiên cao, huy động nguồn lực tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, khắc phục cho được tình trạng xin lùi, chậm trong công tác xây dựng pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Thủ tướng nói: “Trước hết là các đồng chí Bộ trưởng, tôi hết sức lưu ý các đồng chí, ngoài công việc là quản lý điều hành chung thì ban hành luật, thể chế là hết sức quan trọng. Đối với lĩnh vực này, các đồng chí dành ưu tiên hết sức cao, huy động nguồn lực, rồi vụ pháp chế của cơ quan mình, huy động tư vấn…để tập trung xây dựng cả luật, cả văn bản chi tiết thi hành luật có hiệu lực. Hết sức cố gắng trong 6 tháng cuối năm, chúng ta khắc phục cho được tình trạng xin lùi rồi tình trạng chậm. Vừa rồi, tôi có yêu cầu Văn phòng Chính phủ thống kê lại, mỗi Bộ còn bao nhiêu việc, bao nhiêu luật, nghị định, thông tư, nêu rõ với từng đồng chí rồi đó yêu cầu các đồng chí tập trung tới 15/9 tới các đồng chí phải trình cho xong hết, không nên lùi nữa, bây giờ đặt ra quyết tâm như thế thì mới làm được. Thứ 2 là khâu phối hợp, tôi đề nghị thế này cũng khắc phục tình trạng cử cán bộ đi phối hợp, có ý kiến phối hợp xong nhưng khi ra Chính phủ lại có ý kiến khác. Cái gì các đồng chí thấy phối hợp khó các đồng chí báo cáo, đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách khối chủ trì phối hợp. Rồi cái gì khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau thì tôi cũng trực tiếp làm với các đồng chí...”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cần chủ động trong công tác thẩm tra, gắn kết chặt chẽ công tác tiền kiểm với công tác hậu kiểm ngay từ khâu xây dựng văn bản nhằm rút ngắn thời gian và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản…

Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật liên quan đến dự án Luật Quy hoạch.

Các thành viên Chính phủ cho rằng: Công tác quy hoạch đang được điều chỉnh tại 71 luật và 73 nghị định, pháp lệnh với gần 20.000 quy hoạch các loại đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của nhà nước để điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch cũng bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành…

Các ý kiến cũng phân tích hai nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch, đó là tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn nhiều bất cập và việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.

Trên tinh thần này, các thành viên Chính phủ cho rằng việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách, đồng thời tập trung cho ý kiến vào hệ thống quy hoạch; trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; tạo sự thống nhất giữa các quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; các cấp quy hoạch; tổ chức và thực hiện quy hoạch…

Đồng tình với các ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch nhưng thực tiễn đã chứng minh công tác quy hoạch có những mặt không còn phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch 4 nhóm, lĩnh vực: Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội - Hạ tầng – Sử dụng tài nguyên và Sản phẩm. Từ đó làm rõ các nhóm quy hoạch, định nghĩa về quy hoạch, tránh sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch; đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của quy hoạch; tính pháp lý, vai trò của các cấp quy hoạch; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch…Hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch trình Chính phủ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 8.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã cho ý kiến về các dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật tiếp cận thông tin; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật ban hành quyết định hành chính; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật đấu giá tài sản; Báo cáo về công tác tổ chức triển khai Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014 và một số định hướng lớn xây dựng dự án Luật về hội./.