Sáng 20/5,tại Hà Nam, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2018, chào mừng Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ đối thoại với hơn 800 công nhân lao động tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.

Cùng dự cóTrương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ươngĐảng,Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và 11 địa phương.

vov_4_hcvi.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân.
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng khẳng định, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp là vấn đề Chính phủ đang hết sức quan tâm. Do đó, các cấp chính quyền và các cấp công đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quan tâm sâu sắc hơn đến đời sống của Công nhân lao động.

Mở đầu cuộc đối thoại, chị Phạm Thị Khuyên, công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Longđặt câu hỏi:Để nâng cao năng suất lao động hiện tại có hai vấn đề của công nhân ngoại tỉnh là vấn đề nhà ở, nhà trẻ. Trong khi đó, hiện tại ở Hà Nội chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho công nhân, số còn lại phải thuê và gửi chi phí sinh hoạt cao? Vậy Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội có giải pháp gì để công nhân yên tâm làm việc?”

Công nhân đặt câu hỏi với Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Không phân biệt lao động địa phương và Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương về vấn đề nhà ở xã hội thiết chế văn hoá cho công nhân chính là nhà ở.

Tiếp tục làm nhiều hơn nữa, Hà Nội cần dành quỹ đất huy động mọi nguồn lực kể cả của công đoàn làm nhà ở xã hội, ngay cả việc Công đoàn Việt Nam đã có 500 tỷ đồng cùng đợi Hà Nội cấp đất để xây nhà ở xã hội. Và các doanh nghiệp cần tiếp tục xã hội hoá dành nguồn lực thoả đáng xây nhà ở cho công nhân, đặc biệt phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở với tiêu chuẩn cần thiết.

Đề cập thực trạng đa số công nhân sau khi học lớp 12 ra đi làm luôn, ít người được học nghề, anh Vũ Xuân Đạt, công nhân ở Hải Dương nêu câu hỏi: “Chúng cháu rất muốn được đi học thêm để đáp ứng nhu cầu nâng cao thu nhập nhưng thời gian và tiền bạc hạn hẹp, vậy Thủ tướng và Chính phủ có cơ chế chính sách xem xét như thế nào để chúng cháu được học nhiều hơn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của công nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Chính phủ đã quyết định hỗ trợ trong việc nâng cao tay nghề, dạy học cho CNLĐ đến hết năm 2030. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ đào tạo tay nghề, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân, có mức hỗ trợ cho công nhân. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động phải đóng góp hỗ trợ để nâng cao tay nghề cho công nhân. Vấn đề cơ bản là công nhân lao động phải xác định được sự cần thiết phải học nghề, nâng cao trình độ. Từ đó mỗi người cần cố gắng tự khắc phục khó khăn để đi học. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành, sửa đổi các chính sách để tạo cơ hội cho công nhân lao động đi học”.

Lắng nghe tâm tư của công nhân lo lắng trước việc Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49/2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.

Theo Thủ tướng,việc sửa đổi Nghị định 49 sẽ bắt đầu từ năm 2021 nhưng Nhà nước sẽ định hướng tiền lương tối thiểu vùng, cho nên tiền lương cũng đưa vào giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh nếu năng suất thấp thì lương thấp, cho nên năng suất chất lượng đi liền với phúc lợi tiền lương. Trong đó, nhấn mạnh thêm vai trò của các Tổ chức công đoàn trong việc thỏa thuận với chủ doanh nghiệp đối với quyền lợi thông qua tiền lương của các công nhân và các phúc lợi xã hội khác. 

Trả lời câu hỏi công nhân Hoàng Thị Thúy Lan làm việc tại Quảng Ninh bày tỏ băn khoăn về mức hưởng lương hưu thiệt thòi đối với lao động nữ về hưu từ 1/1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp phê bình Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại buổi đối thoại ngày hôm nay đã không có mặt để giải đáp những thắc mắc của công nhân trên địa bàn.

Thủ tướng đề nghị, Bộ LĐTB&XH hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi. Trên tinh thần là vấn đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại, cần được tiếp thu, nghiên cứu khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Thủ tướng tặng máy tính cho công nhân.
Trước thực trạng Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rất lớn đến việc làm của người lao động trong các ngành dệt may và da giày, công nhân Đoàn Văn Vương, tại Nam Định đặt câu hỏi: “Chính phủ đã và có những giải pháp gì để đảm bảo việc làm thu nhập người lao động trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác?”

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời, cuộc cách mạng khoa học công nghệ trọng tâm liên quan đến công nghệ thông tin, chúng ta phải tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới khoa học công nghệ, phát động sáng tạo của tất cả mọi người, đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin ở mọi lĩnh vực. Liên quan đến con người như Thủ tướng đã trả lời, tất cả mọi người không chỉ mỗi công nhân phải tăng cường học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Học ở đây không chỉ về chuyên môn còn các kỹ năng mềm xa hơn nữa là khả năng thích ứng mình có thể làm được nhiều nghề.

Giải đáp thắc mắc các công nhân về các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tạo điều kiện cho công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ bảo hiểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế tích cực phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của anh chị em công nhân nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần khu công nghiệp. Đây cũng là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị từng doanh nghiệp quan tâm thường xuyên việc cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca của công nhân.

Kết luận tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các Bộ ngành địa phương cần tiếp tục có các chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và quyết định hỗ trợ 18 nhà "Mái ấm Công đoàn" cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt./.