Sáng 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu với sự tham dự trực tuyến của các địa phương trong cả nước. Nhấn mạnh, chiếm lĩnh thị trường cũng là con đường để Việt Nam cất cánh, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu làm rõ vì sao nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam lại chưa thể xuất khẩu được. 

xuat_khau_llng.jpg
Ảnh: Chinhphu.vn

Mặc dù thành tích xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua rất khả quan, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị lần này không phải để bàn thành tích mà là nhận diện và tháo gỡ các bất cập để thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn nữa. Thủ tướng mong muốn các đại biểu tập trung  vào những vấn đề cốt lõi nhất của xuất khẩu.

Phân tích về các yếu tố tác động đến xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, đối với thế giới, đang xuất hiện nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại trước xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước nâng các tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn. Trong khi đó ở nước ta, một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Một số sản phẩm trước tốt, sau xấu, thậm chí có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh đến việc sản xuất phải gắn với thị trường, sản xuất cái mà thị trường cần chứ không phải cái ta có.

Thủ tướng cũng nêu lên thực tế thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu còn chưa thông thoáng và mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các địa phương, hiệp hội ngành nghề, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, tiếp cận thị trường và những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất - TTXVN)

Đặc biệt, phát biểu khai mạc hội nghị này, Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn để các đại biểu tập trung làm rõ. Thứ nhất là làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu.

Câu hỏi thứ hai là có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu. Thủ tướng gợi ý, nếu vì tế nhị mà đại biểu không nêu ra sáng kiến tại hội nghị được thì có thể viết thư gửi Bộ trưởng và Thủ tướng.

Câu hỏi thứ ba là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu.

Câu hỏi thứ tư là để tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào? Và câu hỏi thứ năm là khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay?  Cùng với 5 câu hỏi lớn nêu ra, Thủ tướng yêu cầu hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ chứ không phải hình thức, lấy lệ. Theo đó, tầm nhìn của các địa phương, các bộ đều phải hướng về xuất khẩu./.

xuất