Sáng 1/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến phiên thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, thảo luận về tình hình phòng chống Covid-19, thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1/2020 và nhiều nội dung khác.

thu_tuong_1_skyq.jpg
Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trên thế giới, tác động tiêu cực đến cả nước ta. Trong bối đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi toàn đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng để chống dịch hiệu quả. Sau khi thống nhất với Chủ tịch Quốc hội và báo cáo Tổng Bí thư, Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 với các chỉ đạo cần thiết về phòng, chống dịch. 

Về vấn đề cách ly xã hội nêu trong Chỉ thị số 16, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cách ly xã hội là tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội hàm ý là cách ly trong xã hội, bao gồm: giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát của dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ là hạn chế tối đa giao thông. Phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, nhất là xuất khẩu đường bộ, đường biển vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời hiệu, thời gian công việc. Chỉ thị 16 đã đặt vấn đề có hiệu lực trong 15 ngày vàng để hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng. 

Nhấn mạnh, nếu không kiên quyết thực hiện thì dịch có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp, người dân đều phải thực hiện tốt các nhiệm vụ.  

"Trong Chỉ thị 15, 16 đã nêu, đồng thời thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Đề nghị mọi người dân tích cực khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia các hoạt động phòng chống dịch với các cơ quan chức năng. Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân. Tôi nhắc lại, thời gian 15 ngày tới quyết định dịch có bùng phát hay không ở nước ta, cho nên tinh thần chung là từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn, xóm, bản làng, từng huyện, thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch; từng người dân đều là những chiến sĩ chống dịch, dập dịch. Đó là yêu cầu đặt ra", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Xuất hiện nhiều tấm gương trong chống dịch

Biểu dương, động viên ngành y tế, các bác sĩ, nhân viên y tế đã lao động quên mình để cùng các cấp, ngành, nhân dân ngăn chặn dịch lây lan và chữa trị thành công nhiều ca nhiễm Covid-19, Thủ tướng nêu một tinh thần đầy nhân văn, đáng trân trọng của nhân dân ta.

Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ theo hình thức trực tuyến

"Trong chống dịch bệnh, nhiều tấm gương xuất hiện, doanh nghiệp cố gắng không thải hồi lao động. Có cả cụ già mang 5kg gạo và mấy mớ rau lên khu cách ly để hỗ trợ những người làm nhiệm vụ. Có em bé mở phong bì lì xì để hỗ trợ phòng chống dịch. Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì vận động cùng Chính phủ huy động bước đầu trên 600 tỷ đồng trong xã hội. Lực lượng quân đội, công an nhiều lực lượng, địa phương làm tốt, cương quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước phòng chống dịch. Chúng ta đã nêu cao tình thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam một cách hiệu quả. Chưa bao giờ khí thế đoàn kết, hỗ trợ quyết tâm như thế diễn ra trong thời bình ở nước ta trong ba tháng qua, đặc biệt là những ngày gần đây", Thủ tướng cho biết.

Chúng ta đã không gục ngã

Đối với tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nước ta gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, hạn hán, mặn xâm nhập; giá dầu giảm sâu xuống mức 20USD, trong khi dự toán ngân sách 60USD. Đặc biệt, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới thế giới và trong nước nên nhiều chuỗi cung ứng và tiêu thụ của nước ta bị đứt gãy.

Thủ tướng cũng cho biết, Tổng giám đốc IMF, Bloomberg, Tổng thư ký LHQ đều nói ý kinh tế thế giới năm nay sẽ suy thoái, thậm chí nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ 0%. Một số nước còn tăng trưởng âm.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta không gục ngã mà vẫn tăng trưởng đứng đầu khu vực ASEAN. Thủ tướng cho biết, sáng nay, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam có kinh tế đứng vững trước khó khăn, không gục ngã mà còn tăng trưởng 3,82% trong quý 1, dù là thấp nhất cùng kỳ quý 1 trong 10 năm qua, nhưng lại là cao so với nhiều nước. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, lo cho người dân, nhất là người nghèo, thất nghiệp; tiếp tục thảo luận và ban hành các chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, đảm bảo an ninh trật tự...

Cùng nhiều nội dung khác tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận, thống nhất về hỗ trợ an sinh xã hội để sau phiên họp này, Chính phủ có thể công bố ngay các gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.

Trước việc sản xuất trong nước bị sụt giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế nhiều địa phương rất thấp, như Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng chỉ 1%, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận các giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có thảo luận các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là việc thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng với các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ./.