Trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ có thể tàn phá rất lớn của cơn bão Hải Âu (Haiyan) - cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử từng vào Biển Đông và dự báo có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào nước ta từ trước đến nay, chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên thông qua truyền hình trực tuyến để thống nhất các biện pháp ứng phó với cơn bão này.
Theo báo cáo tại cuộc họp, đến chiều 8/11, bão Haiyan duy trì sức gió mạnh nhất gần tâm bão lên tới cấp 17, giật trên cấp 17 với tốc độ di chuyển nhanh khoảng 30-35 km/h trên khu vực miền trung của Philippines. Dự báo đến 10h sáng 9/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta khoảng 190 km về phía Bắc Đông Bắc. Đến 10 sáng ngày 10/11, bão Haiyan sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ.
Dự báo hướng di chuyển của siêu bão Haiyan (Ảnh: TTDBKTTV TƯ) |
Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử từng vào Biển Đông và khả năng có cường độ mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào nước ta. Vùng nguy hiểm nhất trên Biển Đông được xác định là khu vực giữa Hoàng Sa và Trường Sa. Dự báo trong thời gian từ 4h sáng đến 10 h sáng ngày 10/11, tâm bão tiếp cận đất liền sớm nhất từ tỉnh Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế và sau đó đổi hướng lên phía Bắc từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình với sức tàn phá hết sức nặng nề.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, các tỉnh dự báo sẽ có cấp gió mạnh nhất là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, đặc biệt là tại khu vực đảo thì các loại nhà cấp 4, cấp 4 khó có thể còn nguyên vẹn. Lượng mưa cũng được dự báo ít nhất từ 200 đến 600mm. Từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước biển dâng 4-6m và sóng biển có thể cao tới 10 m.
Tính đến trưa 8/11, các lực lượng chức năng đã thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện trên biển với trên 385.000 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Đến chiều 8/11, tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa có ít nhất hơn 100 tàu thuyền đang trên đường vào các đảo để tránh trú bão, trong đó đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa sẽ tiếp nhận 63 tầu với hơn 700 ngư dân. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh bão theo chỉ đạo của trung ương, nhất là kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, lên phương án di rời dân ra khỏi vùng nguy hiểm…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương kiến nghị: Các địa phương hoàn thành công tác phòng chống bão trước tối 9/11. Kiên quyết yêu cầu người dân lên bờ khi tàu đã vào nơi neo đậu an toàn và sơ tán tất cả người dân sinh sống khu vực ven biển các địa phương dư báo bị ảnh hưởng trước 19h tối 9/11.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp khẩn đối phó siêu bão Haiyan (ảnh: Chinhphu.vn) |
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quán triệt rõ: Phòng chống siêu bão Haiyan là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, quân đội, công an và các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao nhất, bằng tất cả các giải pháp năng động, sáng tạo và phù hợp với từng địa phương; huy động tất cả các lực lượng tham gia nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước và của người dân.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau dừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng chống bão. Thủ tướng cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát trực tiếp đến các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan.
Thủ tướng yêu cầu Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương theo dõi, cập nhật liên tục ít nhất 1 tiếng một lần diễn biến phức tạp của cơn bão này. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ; dự báo sự tàn phá của cơn bão Haiyan và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, không chủ quan và chủ động phòng tránh.
Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương về phòng chống con bão này và hoàn thành mọi công việc trước 19h tối 9/11. Cùng với cấm biển, cấm tàu thuyền ra khơi, các tỉnh, thành phố ven biển tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tập trung chỉ đạo từng tàu thuyền một của địa phương để vào bờ, vào đảo, vào nơi tranh trú an toàn nhất có thể. Không cho tàu ra biển, phải cấn biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Quốc phòng có phương án đảm bảo an toàn cho bộ đội đóng quân trên các đảo, các nhà giàn DK và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân lên đảo tránh bão an toàn. Các địa phương lên phương án cụ thể, huy động quân đội, công an và đoàn thanh niên kiên quyết di dân ra khỏi nơi nguy hiểm đến tính mạng, nhất là các điểm ven sông, ven biển và người dân sinh sống trong nhà cấp 3, cấp 4. Tổ chức các lực lượng chức năng sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự trong và sau bão.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ đảm bảo an toàn các hồ đập và an toàn cho người dân đi lại trên sông. Các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan giữ vững thông tin liên lạc thông xuốt từ trung ương đến địa phương.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành liên quan trên cơ sở dự báo và thực tế diễn biến của bão Haiyan tính toán, quyết định cho học sinh nghỉ học và lên phương án đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 1A. Đồng thời lưu ý các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án sau bão, nhất là phòng chống lũ, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất và đời sống cũng như khắc phục các sự cố, thiệt hại mà cơn bão này có thể gây ra…./.