Sáng 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017. Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và lãnh đạo ngành tư pháp 63 tỉnh thành.
Biểu dương những kết quả làm được của ngành tư pháp thời gian qua, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý ngành vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Nói về tình trạng bị động trong xây dựng pháp luật, Thủ tướng cho rằng, có tình trạng “bắc nước chờ gạo”, nước sôi rồi nhưng gạo chưa mang tới. Thủ tướng yêu cầu những nội dung gì chưa xác định rõ nội hàm, thì đưa ra khỏi chương trình làm luật. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật hiện nay vẫn là hạn chế cần khắc phục.
“Luật ban hành nhiều nhưng tình trạng thực thi pháp luật vẫn là khâu rất yếu, không nghiêm dẫn đến tình trạng nhờn luật trong xã hội. Tình trạng này chưa khắc phục được. Đặc biệt là đối tượng trực tiếp để chúng ta giáo dục pháp luật còn hạn chế. Tình trạng này người ta hay nói là “ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”. Còn có sự chung chung trong quá trình này. Tôi mong các Sở Tư pháp, Ủy ban Nhân dân các địa phương phải làm tốt hơn khâu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhắc lại một việc đáng buồn đối với công tác tư pháp, đó là Bộ Luật Hình sự 2015 phải tạm dừng hiệu lực do có nhiều sai sót. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ, cần phải thẳng thắn nhìn nhận để rút ra bài học kinh nghiệm. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc năm 2017, Việt Nam đặt quyết tâm đứng vào nhóm 4 nước ASEAN có môi trường kinh doanh tốt nhất, ngành tư pháp phải quán triệt định hướng này trong hoạt động.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tư pháp cần đảm bảo pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước. Bởi ở đâu có quyền lực ở đó đều phải có giám sát.
Nêu rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ phải triển khai động bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hướng vào thị trường, Thủ tướng lưu ý ngành Tư pháp về việc xây dựng, ban hành luật pháp, chính sách phải phản ứng kịp thời hơn với biến động đời sống xã hội. Ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương phải là cơ quan tham mưu tốt nhất cho Chính phủ, cho UBND các địa phương.
Nhấn mạnh đến câu nói nổi tiếng của một chuyên gia về động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển một quốc gia là “thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng yêu cầu ngành Tư pháp phải đóng vai trò quan trọng tháo gỡ nút thắt này. Cùng với đó cần chủ động tham mưu Chính phủ các giải pháp để cụ thể hóa kịp thời đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của thể chế và chương trình thực hiện pháp luật. Cùng với đó, góp phần khắc phục cho được tình trạng Quốc hội lưu ý lâu nay là “nay rút mai lùi” trong xây dựng và trình các dự thảo luật. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong quá trình xây dựng luật.
“Nhân đây tôi đề nghị các đồng chí đặc biệt làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, một ngành nào đó. Chính bản thân Bộ Tư pháp cũng cần rút kinh nghiệm và làm gương những việc này. Nôm na là không được cài cắm vào Luật những nội dung không vì lợi ích chung mà phục vụ lợi ích riêng cho đơn vị của mình, ngành mình hoặc nhóm người nào đó bị chi phối”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, ngành tư pháp tham mưu, thẩm định để khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai đều phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực; phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp mà ngành tư pháp đảm nhận.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành tư pháp, các Tổng cục, cục, sở hiện nay quá đông người nhưng cán bộ giỏi và tâm huyết lại ít. Do đó, ngành cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương, tái cơ cấu nội bộ ngành theo hướng đông người nhưng phải mạnh, phải thực chất./.
“Xây dựng Luật Quy hoạch không phải để kéo quyền về cho Bộ”