Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt thứ 4 và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới diễn ra vào sáng nay (17/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh, phải tạo sự thông suốt, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chính sách, nghị quyết, quy định trong phòng chống dịch để thống nhất trên toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên.
Dự Hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Dự Hội nghị tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan.
Dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 5 tháng kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từng bước sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là việc chưa có tiền lệ, vừa thực hiện vừa bổ sung, hoàn thiện. Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương sẽ rà soát sau một tuần thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Đặc biệt, xem xét về những vấn đề còn vướng mắc trong quy định, nhất là những vướng mắc trong quá trình thực hiện để có điều chỉnh kịp thời.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc chung là phải tạo sự thông suốt, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chính sách, nghị quyết, quy định trong phòng chống dịch để thống nhất trên toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên. Trên cơ sở kết quả cuộc họp này, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ có điều chỉnh, hoàn thiện để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Đợt dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.
Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng triển khai nhiều chủ trương, biện pháp với tinh thần trách nhiệm rất cao, rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc. Có thể khẳng định, không làm tốt thì không thể có kết quả như thời gian vừa qua.
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện khó khăn, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả.
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vaccine, nên phòng, chống dịch hết sức khó khăn. Những kết quả quan trọng này rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 là hết sức phức tạp, diễn biến nhanh và nguy hiểm; việc ứng phó với dịch ban đầu còn lúng túng. Song nhờ có sự quyết tâm, thống nhất, đồng lòng, chung sức, đặc biệt là có sự sáng suốt, quyết định quan trọng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng, kết quả phòng, chống dịch hiện nay chỉ là bước đầu nên không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, Nghị quyết 86 ra đời là một bước ngoặt cực kỳ lớn, làm thay đổi cục diện. Sứ mệnh chúng ta phải đưa ra mốc để thực hiện chứ không thể kéo dài thêm. Đưa ra những giải pháp lấy xã, phường làm pháo đài, đưa lực lượng, trung tâm y tế, trung tâm lưu động đưa về cơ sở. Rồi chia sẻ, rồi hội họp liên tục, đó là cách chỉ đạo lãnh đạo tạo ra được sự quyết tâm, thống nhất hành động hết sức đồng bộ và đem lại những kết quả và chuyển biến thấy rõ”.
Bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Đến giờ phút này người dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ mà đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Chúng ta xác định muốn là phòng ngự, phòng chống chuyển sang tấn công thì phải có vaccine, có thể nói đánh giá là thành công. Cá nhân tôi cho rằng rất ngoạn mục, đặc biệt là công tác tuyên truyền để cho nhân dân tin tưởng và niềm tin ngày càng cao hơn, từng bước từng bước một, đến giờ là nhân dân tin tưởng, vaccine nào có sớm nhất là vaccine tốt nhất để tiêm, cho nên chúng ta đã thành công”.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 128
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; Thủ tướng cũng chia sẻ sự mất mát về người, về sức khỏe, của cải của nhân dân, thiệt hại của các doanh nghiệp do dịch bệnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Những chuyển biến đạt được trong thời gian vừa qua tiếp tục khẳng định công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các hạn chế, bất cập, cần tập trung khắc phục.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển KTXH; Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19. Các cấp, ngành, địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19; Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục nhập khẩu vaccine và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch; Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tổng kết việc thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng kịch bản, chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới; bổ sung các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch. Đẩy nhanh việc tổ chức tiêm chủng vaccine kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối, xác thực và liên thông các cơ sở dữ liệu trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư. Đảm bảo an toàn, an ninh đối với các ứng dụng và cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch.
Các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với dịch COVID-19, trong đó xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; Chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn, điều chỉnh tiêu chí phân loại phù hợp với diễn biến tình hình dịch, độ bao phủ vaccine và điều kiện thực tiễn; Xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021./.