Chiều 9/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính Ngân sách nhà nước năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước năm 2019.

 Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả ấn tượng của ngành tài chính năm qua là thu ngân sáchước đạt gần 1.423.000 tỷ đồng, vượt thu 103.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%. Có được kết quả này là do ngành đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ thu, mở rộng cơ sở thuế kể cả đối tượng và địa bàn, đẩy mạnh thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Trong khi đó, cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực với chi đầu tư phát triển chiếm 27%. Bội chi ngân sách là 3,6% GDP, thấp hơn mức 3,7% GDP của kế hoạch đề ra. Tuy vậy, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách vẫn chẩm chuyển biến. Ước tính đến hết năm 2018 mới giải ngân được trên 67% dự toán, thấp hơn năm 2017. Vốn trái phiếu Chính phủ cũng chỉ giải ngân được trên 40%.

Nợ công năm 2018 dưới 61% GDP, nợ Chính phủ dưới 52% GDP, dư nợ nước ngoài 49,7% GDP, đều trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Năm qua, toàn ngành đã thực hiện gần 99.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý gần 65.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu về ngân sách gần 18.000 tỷ đồng, giảm lỗ trên 37.000 tỷ đồng.

thu_tuong_jszd.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành tài chính đạt kết quả tích cực năm qua, nhất là về thu ngân sách; phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thuận lợi cho phát triển.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của ngành, trong đó công tác hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính một số mặt còn thiếu đồng bộ; các chính sách hay sửa đổi, gây bất ổn cho xã hội, trong đó của dự thảo Luật thuế tài sản đưa ra mà chưa được nghiên cứu kỹ. Việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp có nơi có lúc chưa thực chất và chưa kịp thời.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh chính sách tài chính quốc gia cần có lời giải từ thực tiễn kinh tế đất nước. “Phải chăng chính sách tài chính đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp như một số ý kiến thảo luận tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông vừa qua? Người ta hỏi tại sao thông tư của Bộ Tài chính quy định 1 con bò do các trang trại chăn nuôi bán cho doanh nghiệp hoặc HTX thì không phải chịu thuế VAT, nhưng bán cho tiêu dùng, cá nhân lại chịu VAT 5%, trong khi Luật và Nghị định của Chính phủ không quy định vấn đề này?" - Thủ tướng đặt vấn đề.

"Hay người ta hỏi người dân thuê mặt nước nuôi trồng thủy hải sản trong đê phải chịu thuế, nhưng thuê mặt nước ngoài đê lại được miễn thuế, thậm chí cho thuê lại để kiếm lời như cử tri ở Tiên Lãng – Hải Phòng nêu với chúng tôi. Tôi đề nghị các đồng chí ở các cục, cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Bộ Tài chính phải nhất quán quan điểm tài chính hướng đến sự phát triển, làm giàu cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Làm được điều này thì đất nước mới thực sự phồn vinh và giàu mạnh”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặt câu hỏi liệu có phải điểm nghẽn lớn của việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là do chính sách tài chính hay không, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phải đề xuất cơ chế tập trung phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển mạnh hộ cá thể lên doanh nghiệp:

“Tôi đề nghị Bộ Tài chính phải cụ thể hóa Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng chính sách tài chính và chế độ kế toán đơn giản để khuyến khích, thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển ngay trong năm 2019. Không thể để một lực lượng doanh nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn lại không muốn lớn nhanh như thời gian qua. Tôi hỏi nhiều hộ kinh doanh cá thể, tại sao không muốn lên doanh nghiệp, họ nói một là sổ sách kế toán phức tạp. Thứ hai là không phải đóng bảo hiểm. Tôi cứ khai kinh tế hộ đơn giản, nếu quen biết thì chỉ phải nộp ít, không phải nộp nhiều. Chúng ta phải có chính sách hướng dẫn về vấn đề này” - Thủ tướng lưu ý.

Yêu cầu cán bộ của ngành tài chính phải gương mẫu, thực hiện tốt việc phòng, chống tham nhũng trong ngành, Thủ tướng chỉ ra thực tế, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, tinh thần thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; còn có dư luận về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ thuế, hải quan; còn tình trạng chung chi, lợi ích nhóm; còn tình trạng kẹp phong bì để giải quyết hồ sơ vẫn còn, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

“Còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, còn tình trạng tham nhũng vặt, chi phí không chính thức. Các đồng chí thử tính toán một container thông quan nếu cần "bôi trơn" một triệu đồng thì trong một năm mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Chính những chi phí không chính thức này sẽ giết doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn được, lý do cũng một phần do đây tạo ra” - người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.

Cho rằng, số lượng thanh tra của ngành tài chính rất lớn nhưng kết quả lại không cao, Thủ tướng đặt câu hỏi do trình độ cán bộ thanh tra hay do cách làm, hay có sự tiêu cực trong công tác này? Yêu cầu Bộ Tài chính phải làm tròn trách nhiệm này, Thủ tướng chỉ đạo ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm tra thanh tra; thực hiện điển tử hóa kiểm tra thanh tra đối với doanh nghiệp thông qua kê khai điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử và nộp thuế.

“Tôi đề nghị các đồng chí, doanh nghiệp nào chấp hành tốt pháp luật thì không cần vào kiểm tra, thanh tra gây phiền hà doanh nghiệp. Chính vì vậy, Bộ Tài chính phải có bộ lọc, đưa ra hệ thống tiêu chí đo lường doanh nghiệp tốt pháp luật, doanh nghiệp chấp hành không tốt pháp luật để có ứng xử công bằng, công khai, minh bạch, không làm khó doanh nghiệp. Tài chính đi trước để tạo sự phát triển, chứ không phải là tài chính là quả lý đơn thuần”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhấn mạnh năm 2019, nhiệm vụ quan trọng là phải có sự bứt phá và đạt kết quả cao hơn năm 2018, Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính, các địa phương phải đi đầu trong thực hiện phương trâm hành động của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, hiệu quả” với nỗ lực cao nhất. 

Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành phấn đấu thu ngân sách 2019 đạt trên 1,5 triệu tỷ; bội chi ở mức 3,5% GDP; dư nợ công khoảng 61% GDP; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống còn khoảng 63% tổng chi ngân sách.

Trước mắt, ngành tài chính cần góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn; có giải pháp đồng bộ để tạo không gian tài khóa lớn hơn, có nhiều nguồn lực hơn để điều hành chủ động, linh hoạt. Hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, giảm bội chi, hướng tới cân bằng ngân sách trong 5 đến 10 năm tới. Trong thu ngân sách, Bộ cũng cần tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, nuôi dưỡng nguồn thu; mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử và cơ bản hoàn thành trong năm 2019.

Trong cải cách DNNN, Thủ tướng cho biết, đã ký một Chỉ thị về cổ phần hóa DNNN, trong đó xử lý nghiêm các đơn vị thuộc diện cổ phần hóa được duyệt mà không triển khai./.