9 tháng đầu năm 2018, cả nước có 73.103 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so cùng kỳ năm trước. Lý giải tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Dù quy về một cửa nhưng muốn qua cửa đó, cần phải bôi trơn các cửa ngách mới thông.
73.103 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố dữ liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, trong 9 tháng qua, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963.400 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so cùng kỳ năm trước, bao gồm 23.053 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,6% và 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3%.
Môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng chưa nhiều. |
Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại. Những hạn chế cố hữu này vẫn chưa được giải quyết dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp như thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm; chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể song theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp như: Quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.
Cụ thể, kết quả một khảo sát thuộc dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính” do VCCI thực hiện trong năm 2018 cho thấy tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn đến từ cả phía doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Vì doanh nghiệp thiếu khả năng hoạch định chiến lược làm giảm độ tin cậy về tính khả thi của dự án đầu tư. Còn về phía các tổ chức tín dụng thì hồ sơ cho vay vốn còn phức tạp, lãi suất cho vay cao, đánh giá rủi ro chưa phù hợp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù có sự cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chưa mang lại hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp. Thực tế nhiều nơi môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều. Nếu thực sự cải thiện được môi trường kinh doanh, thì năm 2020, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Dù quy về một cửa nhưng muốn qua cửa đó, cần phải bôi trơn các cửa ngách mới thông qua được. Không gõ cửa ngách vẫn tắc. Các bộ các ngành còn phiền hà và nhũng nhiễu, vẫn mất quá nhiều công sức để vận động nhưng kết quả chưa tương xứng, vẫn loay hoay tranh cãi nhau về việc dỡ bỏ điều kiện này điều kiện kia nên nỗ lực đổi mới thể chế chưa đạt được.
Tuy nhiên, theo công bố của Tổng cục Thống kê, đến nay Việt Nam mới có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh được. Như vậy còn rất xa so với con số 1 triệu doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2020, nếu số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng cao so với doanh nghiệp hoạt động thì đây thực sự là điều đáng ngại.
“Không gõ cửa ngách vẫn tắc”
Trước thực trạng các doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng, một câu hỏi đã được đặt ra, vì sao vẫn có quá nhiều doanh nghiệp có “tuổi thọ” thấp? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khách quan của tình trạng nhiều doanh nghiệp bị giải thể là do tác động của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu gặp khó khăn phải ngừng hoạt động.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác có ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống còn của doanh nghiệp, đó chính là môi trường kinh doanh. Hiện nay, môi trường kinh doanh một số địa phương, lĩnh vực vẫn chưa được cải thiện nhiều. Các điều kiện kinh doanh trói buộc, nhiều rào cản, sức ép về thuế và các loại chi phí khiến các doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp giải thể, hoặc ngừng hoạt động.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù quy về một cửa nhưng muốn qua cửa đó, cần phải bôi trơn các cửa ngách mới thông qua được. Không gõ cửa ngách vẫn tắc. Các bộ, các ngành vẫn còn phiền hà, nhũng nhiễu, vẫn mất quá nhiều công sức để vận động nhưng kết quả chưa tương xứng, vẫn loay hoay tranh cãi nhau về việc dỡ bỏ điều kiện này điều kiện kia nên nỗ lực đổi mới thể chế vẫn chưa đạt được.
Ông Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là quá trình đào thải tất yếu của thị trường. Song, khi một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy.
Như vậy, để doanh nghiệp phục hồi và phát triển cần phải cải cách hành chính, giảm thiểu các quy định rườm rà đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương lý giải vì sao số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao. Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra./.
Doanh nghiệp châu Âu tăng niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam
Cải thiện môi trường kinh doanh: Bộ Công Thương chưa đạt 1/3 yêu cầu