Sáng nay (29/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã về đến Hà Nội, kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Ấn Độ trong hai ngày qua.

a4_nxas.jpgThủ tướng Ấn Độ ra tận xe đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt được nhiều kết quả quan trọng và cụ thể, không chỉ góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai nước mà còn trực tiếp đẩy mạnh hợp tác toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ ngày càng đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tài chính, dầu khí, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình và văn hóa.

“Kiên định đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào” là quan điểm nhất quán của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng như các nhà lãnh đạo Nghị viện, các đảng phái chính trị trong các cuộc hội kiến, hội đàm và gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ. Đây là cơ sở vững chắc, sự tin cậy chính trị và gắn bó keo sơn để cả hai bên tiếp tục cùng nhau nỗ lực vun đắp bằng những hành động cụ thể, thiết thực đối với sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam và Ấn Độ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự.

Trước hết phải nói đến mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ là hợp tác kinh tế. Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định quyết tâm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để phấn đấu vượt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020, nhất là thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất và cụ thể trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như: dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hóa chất, phân bón, dược phẩm, chế biến nông sản...

Thủ tướng Narendra Modi cam kết tăng cường giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành dệt may.

Ông Naushad Forbes, Phó Chủ tịch liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ chia sẻ: “Chúng tôi làm việc rất nhiều với ngành công nghiệp giấy, và một trong những điều chúng tôi rút ra được là ngành công nghiệp giấy của Việt Nam cũng tương tự như ngành công nghiệp giấy tại Ấn Độ. Do đó, chúng tôi có nhiều thuận lợi khi làm việc với ngành công nghiệp giấy của Việt Nam, nhất là trong việc hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng. Như ngài Thủ tướng Việt Nam đã nói, đây không chỉ là một mối quan hệ tương đồng mà nó còn là một mối quan hệ tương trợ lẫn nhau khi những khác biệt chính là những thế mạnh. Thế mạnh của Việt Nam là những sản phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản và những sản phẩm tiêu dùng. Còn thế mạnh của Ấn Độ là kĩ thuật, công nghệ thông tin và chế tạo máy móc. Đây là những thế mạnh có khả năng bổ sung cho nhau. Do đó, hợp tác và đầu tư giữa 2 nước sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới góp phần giúp kinh tế cả hai nước phát triển hơn…”.

Quan điểm rõ ràng và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ một lần nữa củng cố niềm tin vững chắc đối với các doanh nghiệp hai nước. Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao giấy chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Ấn Độ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Tập đoàn TATA hàng đầu của Ấn Độ đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam hiện nay và là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

 

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước bằng những biên bản, dự án hợp tác cụ thể mà còn thắt chặt và nhân rộng quy mô hợp tác song phương trên các lĩnh vực truyền thống như giáo dục, đào tạo, văn hóa và du lịch, nhất là hai bên đã ký kết hợp tác bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, thành lập Trung tâm Tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại Trường Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Ấn Độ cho phép cấp visa trực tiếp cho công dân Việt Nam tại cửa khẩu sân bay quốc tế Bodh Gaya hay còn gọi là Bồ đề đạo tràng, mảnh đất linh thiêng của Phật Giáo, đồng thời điều kiện thuận lợi cho các tăng ni Phật tử Việt Nam tu hành tại đất Phật linh thiêng cũng như các Phật tử và du khách Việt Nam đến hành hương và thăm viếng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã chứng kiến Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến cùng ông Sheheryar Tổng Giám đốc Hãng Phát thanh truyền hình công Prasar Bharati trao bản ghi nhớ hợp tác trao đổi, sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình, đào tạo và tham gia tổ chức các sự kiện quan trọng của hai nước.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến cùng ông Sheheryar, Tổng giám đốc Hãng Phát thanh truyền hình công Prasar Bharati đã trao bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi, sản xuất các chương trình phát thanh truyền hình

Ông Sheheryar Tổng Giám đốc Hãng Phát thanh truyền hình công Prasar Bharati khẳng định: “Chúng ta có nhiều cơ hội hợp tác cho cả hai phía và cả ở Việt Nam và Ấn Độ nhằm trao đổi thông tin, văn hóa một cách trực tiếp và  ý nghĩa. Truyền thông cần có khán giả. Dựa trên những bài học rút ra được trong nhiều năm về lĩnh vực truyền hình và phát thanh, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác với Đài Tiếng nói Việt Nam trong sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình theo những chủ đề chung mà hai bên thống nhất. Việt Nam-Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, nhất là về văn hóa, xã hội cũng như các triết lí của đạo Phật… Hãng Phát thanh truyền hình công Prasar Bharati và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ có rất nhiều lĩnh vực có thể chia sẻ và hợp tác với nhau trong thời gian tới nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn khán thính giả của cả hai quốc gia, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và đẩy mạnh Đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam…”

Điểm nhấn thúc đẩy hợp tác song phương trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cũng là lĩnh vực hợp tác trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước là những cam kết cụ thể về hợp tác quốc phòng an ninh.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: Quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Ấn Độ. Ấn Độ cam kết hỗ trợ Việt Nam và tham gia vào quá trình hiện đại hóa quốc phòng cũng như an ninh của Việt Nam, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hơn nữa các chương trình đào tạo, cung cấp trang thiết bị vũ khí quốc phòng cho Việt Nam cũng như tổ chức các cuộc tập trận chung. Ấn Độ cũng đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD dành cho Việt Nam để mua các trang thiết bị quốc phòng, đặc biệt là các tàu tuần tra từ Ấn Độ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ

Trong các cuộc hội kiến, hội đàm và gặp gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC, sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông và việc Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông…

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng đã mở ra triển vọng mới với nhiều cơ hội hợp tác cụ thể được xác lập giữa hai nước trên các lĩnh vực, cả kinh tế, quốc phòng, an ninh, truyền thông, văn hóa, giáo dục, đào tạo… cũng như khẳng định quan điểm chung trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Kết quả chuyến thăm góp phần củng cố lòng tin son sắc giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và làm sâu sắc hơn Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ trên cả bình diện song phương và đa phương, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, của khu vực và trên thế giới./.