Chiều nay (25/10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo các đại biểu, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, để lại di chứng lâu dài. Do đó, việc thông qua Luật là hết sức cần thiết và cấp bách.

chay-kho.jpg
Vụ cháy nổ kho pháo hoa ở Phú Thọ để lại hậu quả nghiêm trọng

Không phải ai cũng nhớ số điện thoại cứu hỏa

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Quảng Bình nêu ý kiến, hiện nay không phải ai cũng nhớ số điện thoại báo cháy. Do đó, khi xảy ra hỏa hoạn, họ không biết gọi theo số nào. Ông Nguyễn Mạnh Cường đề nghị nên luật hóa số điện thoại báo cháy trên toàn quốc.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng nêu vấn đề trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong hướng dẫn, hoặc chuyển thông tin cứu nạn, cứu hộ của người dân trong trường hợp khẩn cấp. 

“Tôi lấy ví dụ chìm tàu Cần Giờ vừa qua. Khi xảy ra tai nạn, nạn nhân rơi vào tình trạng hoảng loạn và không biết gọi cho cứu nạn, cứu hộ theo số nào, mà chỉ biết gọi cho người thân, trong khi người thân cũng không biết gọi cho lực lượng nào. Nên chăng Chính phủ quy định số điện thoại khẩn cấp trong trường hợp cần thiết và đơn vị này có trách nhiệm gọi đến cơ quan có thẩm quyền. Số này phải dễ nhớ, dễ thuộc, ví dụ như 01 hay 02”, ông Cường đề xuất.

Mong muốn Đoàn Quốc hội Hải Dương, Phú Thọ “lên tiếng”

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Hà Tĩnh đưa ra quan điểm, những vụ cháy điển hình vừa qua như cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, nổ kho thuốc pháo ở Phú Thọ... gợi cho những cơ quan làm luật những quy định mới, bởi tình hình cháy nổ hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với những thập niên trước. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề nghị Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng – An ninh tổng kết thực tiễn để áp dụng, tuyên truyền. Đây là cách chứng minh Luật bám sát và đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Phúc cũng mong muốn, tại nghị trường, đại biểu các Đoàn Hải Dương, Phú Thọ (nơi để xảy ra những vụ cháy, nổ nghiêm trọng vừa qua) cần thẳng thắn trao đổi về những vụ việc trên để cử tri địa phương được hiểu thấu đáo hơn. “Cử tri mong muốn được gửi gắm tâm tư tới Quốc hội nhưng tôi chưa thấy 2 Đoàn trao đổi gì” – ông Phúc thẳng thắn.

Quy định PCCC nhà máy điện hạt nhân như thế nào?

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, qua tổng hợp, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định về phòng cháy đối với nhà máy điện hạt nhân; quy định trang bị PCCC tại nhà máy điện hạt nhân phải đầy đủ và hiện đại, bố trí lực lượng PCCC chuyên ngành, được đào tạo và tập huấn thường xuyên; bổ sung quy định về PCCC khi vận chuyển các vật liệu chứa chất phóng xạ; quy định cụ thể các phương tiện, biện pháp PCCC để bảo đảm an toàn về phóng xạ cho người chữa cháy; quy định phải có phương án, giải pháp PCCC do cấp có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung thông tin về việc PCCC tại các cơ sở hạt nhân khác; ngoài các điều kiện bảo đảm an toàn trong công tác PCCC đã quy định trong dự thảo Luật, cần tuân thủ các quy định có liên quan như các quy định về PCCC của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA…

Theo ông Nguyễn Kim Thoa, Việt Nam hiện là thành viên của IAEA, vì vậy mọi quy định về an toàn, an ninh hạt nhân cũng như an toàn phòng cháy, chữa cháy đều phải tuân thủ theo quy định của IAEA. UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định cơ sở hạt nhân, thay vì quy định nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm thống nhất với Luật Năng lượng nguyên tử, đồng thời quy định cụ thể về yêu cầu xây dựng hạ tầng, nhân lực và lực lượng PCCC chuyên ngành phù hợp với từng cơ sở hạt nhân để bảo đảm tính khả thi.

Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Đoàn Nam Định có ý kiến đề nghị giao Chính phủ có quy định cụ thể, chi tiết về PCCC đối với nhà máy điện hạt nhân, vì đây là lĩnh vực mới, được dư luận quan tâm.

Ông Nguyễn Anh Sơn cũng đề nghị cần có chế tài mạnh hơn trong xử lý các vụ cháy nổ để răn đe, phòng ngừa. Vì nhiều trường hợp để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng nhưng chẳng biết quy trách nhiệm cho ai; không cá nhân, đơn vị nào bị kết tội cả.

Cảnh sát PCCC vẫn do Bộ Công an quản lý

Ông Nguyễn Kim Thoa cho biết, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC như hiện nay; không nên thành lập Sở Cảnh sát PCCC, mà tập trung xây dựng tăng cường lực lượng cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC; tăng cường lực lượng PCCC chuyên nghiệp cho cấp huyện và đề nghị xác định cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của lực lượng Cảnh sát PCCC là UBND hay Công an; làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với lực lượng Công an nhân dân.

Theo UBTVQH, thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát PCCC từ khi thành lập đến nay chưa được đổi mới để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn mới được bổ sung.

Vì vậy, chủ trương của Chính phủ thí điểm mô hình tổ chức Sở Cảnh sát PCCC là có cơ sở, nhưng để đánh giá hiệu quả của mô hình này cần có thêm thời gian, mặt khác vấn đề này sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật CAND. Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC là lực lượng vũ trang nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, nên cơ quan quản lý Nhà nước đối với lực lượng này vẫn thuộc Bộ Công an./.