Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: tôn trọng và bảo vệ quyền con người luôn là khát vọng của nhân loại tiến bộ, là thành quả đấu tranh chống áp bức, bóc lột và bất công xã hội của nhân dân lao động và các dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, mục tiêu của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ cách mạng dân tộc, dân chủ đến công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta tất cả vì con người.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo |
Hiến pháp năm 2013 đã dành 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".
Theo PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc quy định nguyên tắc này là phù hợp với tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế, xuất phát từ bản chất của quyền con người và bản chất của chế độ XHCN ở nước ta.
“Trong Hiến pháp năm 2013 chúng tôi đánh giá cao cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng như cơ chế để ngỏ độc lập, thúc đẩy quyền con người. Đặc biệt, cơ chế bảo hiến do Luật định, để ngỏ trong khả năng chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoàn thiện các thiết chế và thể chế trong việc thúc đẩy, đảm bảo quyền con người. Nếu có thiết chế độc lập như vậy tăng cường các cơ chế hiện có hiện nay giúp bảo đảm quyền con người thực thi hiệu quả hơn trong thực tế”, PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa nêu rõ.
Các tham luận tại hội thảo tiếp tục khẳng định quyền con người - Bản chất của chế độ XHCN và mục tiêu hoạt động của Nhà nước Việt Nam; Quyền con người trong các quan hệ quốc tế ngày nay; Phát triển kinh tế, bảo đảm quyền con người; Thực thi dân chủ và việc bảo vệ quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam…
Các đại biểu đề nghị, thời gian tới một trong các giải pháp cần ưu tiên thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người chính là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, đồng thời, cần có các cơ chế bảo vệ phát triển quyền con người ở Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Quyền con người hòa tan vào xã hội, trong tất cả các thành tố của xã hội. Chính vì vậy nên chúng ta phải tiếp cận đa ngành, liên ngành, tập thể, toàn diện về quyền con người. Không chỉ đánh giá trên 1 lĩnh vực mà trên tất cả lĩnh vực như: chương trình xóa đói giảm nghèo, nước sạch, chương trình sống cùng Biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...Do đó cần có tiếp cận, nghiên cứu đa ngành, toàn diện. Đặc biệt, lồng ghép tư tưởng quyền con người vào trong tất cả các chương trình hành động của chúng ta. Trong nhận thức như vậy mới có thể đảm bảo hiệu quả cao nhất quyền con người ở Việt Nam”.
Các đại biểu kiến nghị, thời gian tới, Quốc hội cần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, hình sự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về quyền con người, nghiên cứu chuẩn hóa môn học về quyền con người để giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức toàn quốc./.