Chiều nay (29/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Có sự móc ngoặc, chạy án

Về công tác thi hành án, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, đoàn TP HCM nhắc lại vấn đề dư luận đang đặt ra là: Tại sao tỷ lệ án treo trong tham nhũng lớn? Phải chăng có gì khuất tất? Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh khẳng định, đã có nhiều đoàn công tác của TP HCM và Trung ương tới TAND TP HCM để kiểm tra việc xử lý án treo trong tham nhũng tại đây. Tất cả đều khẳng định, việc tòa án thành phố cho hưởng án treo với các vụ án tham nhũng đều đúng. Với một thành phố lớn, có số lượng vụ án lớn như TP HCM thì số lượng án treo theo đó cũng rất lớn, song xét về tỷ lệ toàn quốc là ít hơn nhiều địa phương khác.Ông Huỳnh Ngọc Ánh giải thích: “Án trong tham nhũng thường có nhiều bị cáo, nhiều người là đồng phạm, thậm chí được sự chỉ đạo của giám đốc, cấp trên; bên cạnh đó, họ có thân nhân tốt thì không thể xử tù được. Pháp luật của chúng ta rất đầy đủ, việc bị cáo bị truy tố ra xét xử trên cơ sở pháp luật. Việc xử nặng, nhẹ đều được cân nhắc và nghiêm minh. Nếu dư luận cho rằng, án treo là chưa thỏa đáng thì đề nghị Trung ương có nghị quyết về tội tham nhũng không được xử tù treo”.

dai-bieu-can-tho.jpg
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, đoàn Cần Thơ 

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, đoàn Cần Thơ nêu ý kiến: Dư luận có quyền đặt câu hỏi, xử án treo trong tham nhũng là có biểu hiện chạy án. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tăng theo mỗi năm, do đó dân sẽ mất niềm tin và công cuộc chống tham nhũng. Trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành, thủ trưởng các đơn vị là phải tăng cường về luật pháp để đấu tranh, xử lý nghiêm minh dù đối tượng tham nhũng là ai, ở vị trí nào, vì báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ có trường hợp né tránh, gây mất niềm tin của nhân dân trong xử án tham nhũng.

Về vấn đề thu hồi tài sản thất thoát từ án tham nhũng, ông Huỳnh Văn Tiếp nhấn mạnh: Theo báo cáo, tài sản thu hồi chỉ khoảng 10%, vậy nguyên nhân do luật pháp hay ở khâu nào? Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét lại Luật phòng chống tham nhũng để xử lý nghiêm minh hơn với loại án này, phải thu hồi thất thoát về cho ngân sách Nhà nước.

Ông Huỳnh Văn Tiếp cũng khẳng định, tình trạng án sửa, án hủy không giảm mà đang gia tăng, lỗi chính là do thẩm phán và hội đồng xét xử đã không thẩm tra, xác minh chứng cứ rõ ràng, nghiên cứu hồ sơ sơ sài. Bên cạnh đó, có sự móc ngoặc, các bên đều chạy án, nhất là án kinh tế, dân sự, dẫn đến tình trạng tồn đọng án kéo dài gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin với ngành tòa án.

Bất an khi tội phạm hoành hành

Đại biểu Lê Văn Hoàng, đoàn TP Đà Nẵng lấy dẫn chứng ở TP HCM, Hà Nội, tội phạm cướp giật, lừa đảo diễn ra không khai, xảo quyệt. Trên cả nước, số lượng tội phạm, đối tượng vi phạm pháp luật giảm, nhưng tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, nham hiểm như: cờ bạc, cá độ, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, các băng nhóm đòi nợ thuê. Đặc biệt tội phạm giết người tăng cao (chiếm hơn 87% trong số các loại tội phạm), trong đó, nguy hiểm hơn là có tình trạng giết người thân trong gia đình, điều này biểu hiện sự suy đồi trầm trọng về đạo đức.

Ông Lê Văn Hoàng nhấn mạnh: Đời sống người dân đã rất khó khăn, trong khi tội phạm hoạt động gia tăng. Tội phạm ma túy len lỏi vào đời sống nhân dân, khiến người dân bất an. Đối tượng phạm tội ma túy lại rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và đã có nhiều chiến sỹ công an, bộ đội biên phòng hy sinh khi đuổi bắt các đối tượng này.

Nhiều nơi dân không tin vào chính quyền

Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để tội phạm hoành hành, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở. Đại biểu Đào Thị Xuân Lan, đoàn Hưng Yên khẳng định, người dân hiện nay lúc nào cũng cảnh giác với các đối tượng phạm tội, đi về “cửa đóng then cài”, không yên tâm gửi gắm nhà cửa, tài sản cho ai. Quản lý Nhà nước ở cơ sở còn nhiều lỗ hổng, còn tình trạng chứa vật liệt nổ trong nhà (đại biểu dẫn trường hợp ông “Phương khói lửa” trong TP HCM); môi trường ở khu dân cư, như trường hợp chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa kéo dài nhiều năm mà chính quyền cơ sở “không biết”…

Người dân nhiều nơi mất niềm tin vào chính quyền cơ sở nói chung, lực lượng công an nói riêng, nên không tố giác tội phạm, bởi nhiều trường hợp người dân tố giác không được ghi vào hồ sơ của công an, do đó công tác phòng chống tội phạm chưa đạt yêu cầu.

Đồng ý với ý kiến đại biểu Đào Thị Xuân Lan, đại biểu Lê Văn Hoàng đặt vấn đề có sự bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm hay không? Ông Lê Văn Hoàng nói: “Lực lượng công an các cấp biết hết, nắm được hết các đối tượng, các nhóm tội phạm, nhưng có điều họ có xử lý, có bắt hay không, có đấu tranh kiên quyết hay không”.

Tuy nhiên, các đại biểu đều khẳng định, Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 đã thực sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, các mô hình phòng chống tội phạm của Hà Nội, Hải Phòng đã thực sự hiệu quả, đấu tranh và triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, đối tượng nguy hiểm, mang lại bình yên cuộc sống cho nhân dân./.