Sau hơn một ngày làm việc, hôm nay 3/7, Hội nghị lần thứ 14, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa 16 đã họp phiên bế mạc sau khi cho ý kiến vào 8 nội dung quan trọng. 

thanh_uy_2_ieuu.jpg
 Quang cảnh Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội.  Ảnh: Kinh tế đô thị

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận phiên họp nhấn mạnh tới các nhóm giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền để rõ người, rõ việc, rõ cấp, rõ trách nhiệm để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Trước khi bế mạc, Phó bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu làm rõ thêm những nội dung các đại biểu thảo luận. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế mang tính chủ quan như mối quan hệ công tác trong nội bộ ở một số nơi còn chưa chặt chẽ; sức ỳ của cán bộ, công chức, viên chức còn lớn.

Trước thực tế đó, các cấp ủy, chính quyền Thành phố đã chủ động đổi mới, tích cực thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Do đó, Thành phố đã có những bước tiến trên các lĩnh vực như: Chỉ số cải cách hành chính vươn từ vị trí 9/63 tỉnh, thành phố lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong vòng hơn 2 năm. Không chỉ cung cấp nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, Thành phố đang tiến tới áp dụng tiêu chuẩn nước sạch uống tại vòi trên toàn địa bàn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Chung nói:“Qua thực tiễn hai năm rưỡi vừa qua trong một bối cảnh như vậy, cho đến nay những thách thức liên quan đến công tác cán bộ, liên quan đến các nội dung khác đã giảm đi rất nhiều. Khi đã ổn định hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như quyết tâm, đồng lòng. Từ thực tiễn chúng ta cần bổ sung thêm một số chỉ tiêu và biện pháp để đạt được các mục tiêu nêu ra trong nghị quyết và trong kế hoạch”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định việc mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội là một chủ trương đúng đắn, một quyết sách lịch sử có tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Nhà nước, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn để phát huy vị trí, vai trò đầu tàu, sức lan tỏa của Thủ đô trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng chỉ rõ những hạn hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại. Trong đó có công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị và thực hiện đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn và chậm tiến độ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn so với yêu cầu.

Một số dự án phát triển hạ tầng bị chậm triển khai, nhất là các công trình trọng điểm… Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, trật tự và an toàn giao thông  mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp; hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra.

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khoa học và thực chất; tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền  rõ người, rõ việc, rõ cấp, rõ trách nhiệm. Phấn đấu tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2020  là 11,32%.

Ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh:“Phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Cần phải tập trung, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, nhất là các khó khắn chủ quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm. Cần phải gấp rút hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và phân khu đô thị còn lại. Siết chặt việc quản lý các quy hoạch, giảm thiểu việc điều chỉnh các quy hoạch, nhất là các điều chỉnh gây tăng dân số và áp lực hạ tầng trong khu vực nội đô. Tiếp tục tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm về phòng chống cháy, nổ”.

Cũng tại hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, một số đại biểu phản ánh về chất lượng bằng cấp của cán bộ cơ sở và đề xuất cần đổi mới trong công tác đào tạo.

Theo đó, tiêu chí đi học của cán bộ, công chức phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực. Bởi, cán bộ, công chức đi học về để phục vụ chính việc đang làm chứ không phải đi học để lấy bằng hay làm cho lý lịch của mình. Vì vậy, cần có biện pháp đánh giá cán bộ, công chức sau khi đi học về. Nếu không đáp ứng được công việc thì phải điều chỉnh./.