Thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch 59 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020; tính đến nay, các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trong toàn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức xong Đại hội, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo đánh giá, Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trong toàn Đảng bộ tỉnh đã thành công tốt đẹp, năng lực trình độ, chuyên môn cán bộ cấp ủy cơ sở được nâng lên, trong đó đặc biệt là việc có ngày càng nhiều các đảng viên là người dân tộc Khmer vào cấp ủy.

Đại hội chi bộ Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Đài PT-TH Sóc Trăng)

Đến nay, tất cả các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trong toàn Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành Đại hội, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội cơ sở được thực hiện chu đáo, chất lượng, đúng quy trình. 

Việc chuẩn bị văn kiện Đại hội được thực hiện kỹ lưỡng, tổ chức lấy ý kiến đóng góp đúng quy trình, hướng dẫn của cấp trên. Đặc biệt là đề án nhân sự cấp Ủy, Ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư được cấp ủy cấp trên trực tiếp thẩm định kỹ trước khi phê duyệt; trong đó chú trọng các yếu tố về độ tuổi, thành phần, dân tộc, trình độ.

Với tinh thần dân chủ, đúng nguyên tắc Đảng nên hầu hết các Đại hội bầu chỉ một lần là đủ số lượng cấp Ủy, Bí thư, Phó Bí thư và đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, phần lớn nhân sự chủ chốt trúng cử như dự kiến. Bên cạnh đó, Đại biểu dự Đại hội cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội, chỉ tiêu Nghị quyết cho nhiệm kỳ tới.

Trong công tác nhân sự, đảng viên là người dân tộc Khmer tham gia cấp ủy cũng được đặc biệt quan tâm.

Ông Lâm Hoàng Ninh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, nhiệm kỳ 2015-2020 (một trong ba Đảng bộ cơ sở được được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chọn làm điểm chỉ đạo Đại hội), cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị rất quan tâm đến công tác nhân sự, đưa ra nhiều lần để xem xét, lấy phiếu tín nhiệm, thăm dò trong Đảng, Mặt trận, các đoàn thể, chính quyền. Từ đó, về nhân sự đảm bảo cơ cấu theo quy định như cơ cấu trẻ, nữ và dân tộc. Đối với Ban Chấp hành khi đưa ra nhân sự 18 đồng chí, kết quả bầu đạt yêu cầu 15 đồng chí vào Ban Chấp hành, đủ số lượng theo quy định chung”.

Theo số liệu thống kê, qua 615 tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh Sóc Trăng tổ chức Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã bầu được 3.639 cấp ủy viên, trong đó, tỷ lệ nữ đạt trên 18,5%; người dân tộc đạt gần 12%; tỷ lệ dưới 30 tuổi đạt hơn 5,2%, cấp ủy cơ sở có tuổi thấp nhất là 20 tuổi.

So với nhiệm kỳ qua, số lượng cấp ủy viên mặc dù giảm nhưng chất lượng được nâng lên, tỷ lệ về trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ này tăng cao so với nhiệm kỳ trước.

Về điều này, ông Trần Phước Vĩnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu rõ, về chất lượng cấp ủy được nâng lên, tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể là trình độ THPT có 2.621 đồng chí, đạt 99,51%, tăng 6,28%; Lý luận chính trị cao cấp, cử nhân là 1.280 đồng chí, đạt 35,17%, tăng 12,83%; Chuyên mô nghiệp vụ tiến sĩ đạt 0,14%, thạc sĩ đạt 5,06% và đại học đạt 72,3%.

Cũng Theo Ban tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, bên cạnh những kết quả trên, trong tổ chức Đại hội cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng còn những hạn chế nhất định như các báo cáo chính trị chưa đánh giá sâu kết quả thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng và chỉnh đốn  Đảng; chưa nêu được những vấn đề trọng tâm, nhằm làm rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Công tác chuẩn bị nhận sự một số đảng bộ cở sở chưa được nghiêm túc, có trường hợp dự kiến chức danh chủ chốt nhưng không trúng cử; tỷ lệ cán bộ trẻ chưa 30 tuổi chưa đạt như quy định.

Hiện, cấp Ủy cơ sở khóa mới tỉnh Sóc Trăng đã và đang nhanh chóng hoàn chỉnh nghị quyết; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng; xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để tập trung triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội. Bên cạnh đó, xem xét, chọn một số công việc trọng tâm, mang tính chất đột phá về kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng để thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực sau Đại hội. Đây sẽ là tiền đề để các địa phương cơ sở ở Sóc Trăng phát triển toàn diện trong 5 năm tới./.