Chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với phần thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần, 11 chương, 165 điều. Trong phần thảo luận dự án Luật này, các đại biểu tập trung bàn về mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính.
Dự Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tăng mức phạt tối thiểu từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng, tăng mức phạt tối đa từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Trong đó, mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng chỉ được áp dụng trong 5 lĩnh vực: quản lý các vùng biển và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; quản lý rừng, lâm sản; tiền tệ và ngân hàng, tín dụng, chứng khoán và thị trường chứng khoán; tài nguyên nước, dầu khí và các khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, đất đai.
Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, từ khi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2008 đến nay được hơn 3 năm, quy định mức phạt trong dự thảo Luật là quá cao (tối thiểu tăng 5 lần và tối đa gấp 4 lần) so với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như thu nhập của nhân dân.
Về vấn đề trên, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng: Để ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền có thể tham khảo thêm đời sống nhân dân của từng thành phố, địa phương, sau đó mới có quy định cụ thể.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, mức xử phạt hành chính nên do Hội đồng Nhân dân thành phố quy định. Bởi vì những vụ vi phạm diễn ra ở địa phương nào thì địa phương đó sẽ biết rõ mức độ vi phạm hành chính của người dân cũng như mức thu nhập của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc xử phạt hành chính nên tuỳ theo từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như: Vi phạm về bán hàng rong phải khác với vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tiền tệ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán…
Ông Nguyễn Văn Hiện kiến nghị, mức xử phạt nên có sự điều chỉnh trong trường hợp có sự biến động về giá cả, lạm phát và thu nhập của người dân. Mặt khác, việc xử lý vi phạm hành chính phải có tính chất răn đe để những lần sau, người vi phạm không tái phạm nữa./.