Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, nhiều điều khoản quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, khó thực hiện. Một số quy định liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước về phòng chống thiên tai chưa rõ ràng, nhất quán, gây khó khăn trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cũng như trách nhiệm trong phòng chống thiên tai của các Bộ.
Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: “Đối với hoạt động phòng tránh thiên tai phải huy động toàn bộ các lực lượng, cơ quan và tổ chức cá nhân. Tôi đề nghị phải có một cơ quan giúp Chính phủ, nhưng phải có thêm một số quy định như: Bộ TN-MT có trách nhiệm dự báo. Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trợ cấp đột xuất và bảo trợ xã hội khi có thiên tai thảm hoạ… Việc này không thể một Bộ chịu trách nhiệm mà cần cơ chế phối hợp khẩn cấp, nhanh gọn và tập trung chỉ đạo rất quyết liệt”.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng: Dự thảo luật cần xác định rõ trách nhiệm cũng như có chế tài xử lý đối với các cơ quan tổ chức trong việc phòng chống thiên tai.
Trên thực tế, thời gian qua đã có những thiệt hại không nhỏ về người và tài sản do công tác dự báo, cảnh báo không chính xác, như cơn mưa lớn tại Hà Nội vào tháng 11/2008 gây thiệu hại lên tới 3.000 tỉ đồng. Hoặc có những dự báo đúng nhưng việc tổ chức, ứng phó với thiên tai không tốt nhưng chưa biết quy trách nhiệm và xử lý đối với cơ quan, tổ chức nào.
Liên quan đến nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh cho rằng: Dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước trong phòng chống thiên tai, bảo đảm cấp đủ ngân sách Trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này để việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này được chủ động, đúng mục đích và hiệu quả./.