Tiếp tục phiên họp lần thứ 34, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Phòng, chống mua bán người. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh 62 điều, trong đó sửa đổi 42 điều, bãi bỏ 10 điều và bổ sung 10 điều.

Theo các thành viên UBTV Quốc Hội, dự án Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; đánh giá tác động, rà soát điều ước quốc tế và tham khảo pháp luật một số nước trong lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, có một số nội dung quan trọng chưa được phân tích đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, nhiều đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện Kiểm sát; quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu trong Bộ luật Tố tụng dân sự; thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao khi phát hiện có lầm nghiêm trọng…

Về việc tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, quy định Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm là không phù hợp. Ủy ban Tư pháp cũng không tán thành quy định Viện kiểm sát có quyền khởi tố dân sự như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho rằng: Nếu quy định thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân khởi tố vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích Nhà nước thì sẽ trùng lắp nhiệm vụ với cơ quan quản lý nhà nước khác.

Hơn nữa, trong trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân là người tiến hành tố tụng lại khởi tố vụ án với vai trò của người tham gia tố tụng thì rất khó xác định ai là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự, khi nào thì Viện kiểm sát thực hiện quyền, nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và khi nào thì thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng và bảo đảm việc bình đẳng giữa các đương sự.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự để xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp tới.

Về việc tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến của đa số đại biểu là Kiểm sát viên không phát biểu về vụ việc giải quyết khi tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm mà chỉ được quyền phát biểu đối với các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với đề nghị không quy định Viện Kiểm sát có quyền khởi tố vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước trong dự thảo. Về cơ chế giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là vấn đề rất lớn. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan thống nhất cần có cơ chế để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương đề nghị các cơ quan phải phối hợp với nhau, nghiên cứu tham khảo ý kiến của nhiều tổ chức, chuyên gia và kinh nghiệm các nước để trình ra Quốc hội. Quốc hội thảo luận kỹ, sau đó nếu thấy vấn đề gì thì Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến.  Đây là một bước đi rất thận trọng.

Trong sáng nay, các thành viên UBTV Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào dự án Luật phòng, chống mua bán người.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung phần phân tích về các nội dung cơ bản của dự án Luật như: nguyên tắc của phòng, chống mua bán người; chính sách nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân; các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân; các biện pháp phòng ngừa mua bán người; việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán người…

Chiều 17/9, UBTV Quốc hội cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12./.