Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

nguyen_chi_dung_zucn.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Ban soạn thảo bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật lại đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đề nghị của Chính phủ là thay đổi chính sách nhưng tổng kết thi hành chỉ có khoảng chục dòng đánh giá, trong đó nói đến dịch vụ kinh doanh đòi nợ không đúng khuôn khổ, xảy ra vụ việc phức tạp...

“Tổng kết này phải đánh giá, những điều kiện trong nghị định có phù hợp không. Vì sao lại bảo là bây giờ phải cấm? Tôi không ủng hộ loại hình kinh doanh này và tôi biết một số địa phương đề nghị cấm. Nhưng từ đang cho kinh doanh sang cấm kinh doanh thì phải đánh giá kỹ” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm và đề nghị xem lại một số tỉnh vừa qua kiến nghị gì, một số vụ việc phức tạp như thế nào, trên phạm vi cả nước ra sao vì muốn thay đổi chính sách cần có đánh giá.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh cần tổng kết về quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đánh giá kỹ tại sao phải cấm, hay gắn với vấn đề liên quan đến xã hội đen, tín dụng đen thì cũng phải tính thêm./.